Dân Việt

Thưởng thức món cốm Tân Thành giòn tan dịp Tết Canh Tý 2020

Chúc Ly 09/01/2020 07:12 GMT+7
Vào những ngày giáp Tết, làng cốm Tân Thành (TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình có truyền thống làm cốm lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Những ngày này, chạy dọc theo tuyến lộ ven phường Tân Thành, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tất bật nổ cốm, ngào cốm.

Theo người dân địa phương, nghề làm cốm gạo đã có từ rất lâu đời dù chẳng ai nhớ chính xác nghề có từ khi nào, nhưng ít nhất cũng đã trải qua hơn 50 năm. Ngày trước, người dân chủ yếu làm cốm để dùng trong gia đình, làm quà biếu vào các dịp tiệc tùng, đám cưới… Mấy chục năm trước, món cốm gạo là thức quà quen thuộc của người dân Tân Thành dành biếu những vị khách phương xa.

img

Cốm Tân Thành được làm từ gạo. Ảnh: CL.

Dần dần, nơi đây hình thành nên một làng nghề truyền thống, nhiều gia đình có thu nhập chính từ nghề làm cốm gạo. Trải qua thăng trầm, ngày nay số lượng người theo nghề không còn được như trước, nhưng vẫn là một nét đặc trưng của địa phương, với một số hộ còn tâm huyết giữ nghề.

Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều người theo nghề đã mở rộng sản xuất với mong muốn giữ nghề, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sản lượng được làm nhiều hơn.

img

Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hơn 50 năm. Ảnh: CL.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thành, nghề làm cốm gạo giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông nhàn trong tổ hợp tác của địa phương. Cận Tết, nhu cầu mua cốm trong người dân tăng mạnh, đầu ra ổn định… nên các tổ viên luôn làm tất bật để đủ hàng bán ra thị trường.

Bà Trần Thị Nâu (ngụ khóm 5, phường Tân Thành), chia sẻ: “Hiện mỗi ngày tôi bán được khoảng 30kg cốm gạo ngào thành phẩm với giá 50.000 đồng/kg. Trong tháng 12 âm lịch cốm sẽ bán rất nhanh, mỗi ngày tôi có thể bán khoảng 100kg”.

img

Trước khi ngào cốm, phải nổ cốm trên lửa. Ảnh: CL.

img

Cốm nổ thành phẩm, nguyên liệu chính để làm cốm gạo Tân Thành. Ảnh: CL.

img

Người thợ đang ngào cốm. Ảnh: CL.

Theo lời bà Nâu, trước khi ngào cốm người thợ phải rang cốm nổ (cốm nổ từ gạo) thật đều tay trên chảo lửa khoảng 5 phút. Sau đó, cho đường cát, hành lá, gừng xắt mỏng, nước, đậu phộng vào chảo rồi nấu hỗn hợp trên khoảng 15 phút trong lửa nhỏ.

Khi đường chuyển sang màu vàng nhạt thì cho cốm nổ vào ngào thật nhanh và đều tay để cốm không dính vào nhau. Sau đó, cho cốm vào khuôn bằng gỗ và dùng chai thủy tinh cán đều. Tiếp theo là cắt cốm ra thành từng miếng nhỏ để cho vào bịch ni lông.

img

Bằng kinh nghiệm, những người thợ biết được khi nào cốm thành phẩm. Ảnh: CL.A

img

Sau khi ngào cốm tới, người làm sẽ đổ cốm ra khuôn và cắt miếng vừa ăn cho ào túi ni lông. Ảnh: CL.

img

Cốm gạo Tân Thành nổi tiếng khắp nơi bởi vị cốm ngọt ngào, giòn tan. Ảnh: CL.

Tuy giá nguyên liệu làm cốm đều tăng theo thị trường vào dịp Tết Canh Tý 2020, nhưng các hộ làm cốm phường Tân Thành vẫn giữ mức giá 50.000 đồng/kg.