Dân Việt

Làng kiếm bộ tiền nhờ nuôi loài chim gáy râm ran nghe lạ tai

Tiếng gáy râm ran ngay từ đầu ngõ nghe vui tai đến lạ thường, đó là cảm nhận của tôi khi đến tham quan làng nuôi chim gáy nơi đây. “Nuôi chim gáy Nhật Bản, hiệu quả thật”, đó là lời khẳng định của các hộ đang nuôi chim gáy Nhật Bản ở xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Thăm mô hình nuôi chim gáy Nhật Bản của bà con trong xã Tân Sỏi, chúng tôi được biết, nuôi chim gáy Nhật là mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Các hộ dân ở đây rất tâm huyết với mô hình này.

Nuôi chim gáy Nhật vừa nhàn lại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những gia đình neo người cũng có thể nuôi được. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Trí, thôn Chúc, xã Tân Sỏi là một trong những hộ đầu tiên nuôi chim gáy Nhật và đến bây giờ đã truyền lại kinh nghiệm cho tất cả các con của ông và người dân trong thôn cùng nuôi nhằm phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

img

Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Chúc, xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giới thiệu một con chim gáy Nhật được khoảng 10 ngày tuổi. 

Các hộ dân trong thôn Chúc giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm nuôi chim gáy Nhật, kỹ thuật nuôi chim gáy Nhật.

Ông Trí bắt đầu câu chuyện nuôi chim gáy Nhật Bản của mình bằng việc dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi và chỉ rõ đặc tính từng con một. Ông Trí kể, năm 2005, tôi bắt đầu nuôi chim gáy Nhật. Trước kia ông nuôi chim gáy sinh sản, trong quá trình nuôi nhận thấy nuôi chim gáy sinh sản không hiệu quả bằng nuôi chim gáy thương phẩm.

Theo ông Trí, “chim gáy Nhật có nguồn gốc hoang dã, ai cũng có thể nuôi được". Ngoài ra, chuồng nuôi chim gáy cũng khá đơn giản. Chỉ cần dùng lưới sắt vây thành những ngăn nhỏ, mỗi ngăn nuôi một đôi, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ để làm chỗ cho chim mẹ đẻ.

Ông Trí tiết lộ kinh nghiệm nuôi chim gáy Nhật: "Nuôi chim gáy Nhật không khó, thức ăn chủ yếu từ thóc và một phần thức ăn công nghiệp, chim ít khi bị bệnh. Nuôi chim gáy Nhật Bản khó nhất là lúc ghép đôi. Nếu ghép nhầm hai chim mái với nhau thì trứng không có trống, không dùng được. Chịu khó quan sát và để ý thì việc ghép đôi vẫn thành công”.

Là hộ nuôi nhiều chim gáy Nhật nhiều nhất thôn Chúc, chị Nguyễn Thị Vân, hiện đang có gần 500 đôi chim gáy chia sẻ, mỗi tháng trung bình có 250 đôi sinh sản. Từ khi đẻ trứng, chim gáy ấp 13 ngày và khoảng 15 ngày sau nở có thể xuất bán, với giá bán từ 100-110.000 đồng/đôi, mỗi tháng mang lại lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.

Thông thường, sau khi nuôi khoảng 7 tháng, chim gáy Nhật bắt đầu đẻ trứng. Nếu được chăm sóc tốt thì chúng sinh sản gần như quanh năm.

Ngoài bán chim thịt, nếu bán chim giống thì người nuôi sẽ nuôi thời gian dài hơn đến khi chim biết tự mổ thức ăn. Lúc đó, bán được giá 180-200.000 đồng/đôi. Vậy, với việc bán chim thịt và chim giống mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình chị Vân khoảng 250- 280 triệu đồng/năm.

Cùng ở thôn Chúc, gia đình ông Nguyễn Đức Tiếp, mới nuôi 100 đôi chim gáy Nhật từ tháng 3 âm lịch. Đến nay  đàn chim đang sinh sản và đã xuất bán được gần 100 đôi. Ông Tiếp cho biết, nuôi chim gáy Nhật dễ hơn nuôi chim bồ câu, thời gian từ khi đẻ trứng đến khi xuất bán khoảng 28-30 ngày, nhanh hơn chim bồ câu, tiêu tốn thức ăn cũng ít hơn.

"Chim gáy Nhật mang gen hoang dã nên khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng phát triển đều. Chim non thường dễ mắc bệnh hơn, nhưng khi chim đã trưởng thành thì khả năng kháng bệnh rất tốt, hiếm khi bị bệnh. Thỉnh thoảng người nuôi nên cho chim uống thuốc và nhỏ vacxin phòng bệnh, chỉ cần để ý chút là thành công...", ông Nguyễn Đức Tiếp chia sẻ kỹ thuật nuôi chim gáy Nhật.

Hiện nay, do thị hiếu người tiêu dùng nên sản phẩm chim gáy Nhật rất được ưa chuộng. người chăn nuôi không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Với vốn đầu tư ít nên hộ có vốn và hộ hạn hẹp vốn cũng có thể nuôi chim gay Nhật được.

Nếu nuôi khoảng 200 đôi chim gáy Nhật người nuôi chỉ cần có khoảng vốn 55 triệu đồng là đủ để mua giống và lồng nuôi. Do vậy, mô hình nuôi chim gáy Nhật đang được đánh giá là mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn xã Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Mô hình được rất nhiều người từ khắp các địa phương khác đến tham quan và học tập kinh nghiệm và làm theo.