Mới đây, 2 xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã phối hợp tổ chức khai mạc Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020. Đây là hoạt động truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân và tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).
Lễ hội đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Ban Tổ chức cho biết, việc tổ chức lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông ở Mai Châu là hoạt động nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc, tăng cường quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của xã Hang Kia và xã Pà Cò. Đồng thời, lễ hội cũng tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân hai xã chuẩn bị đón Xuân Canh Tý năm 2020.
Đông đảo du khách thập phương đến tham quan trải nghiệm Lễ hội Gầu Tào tại xã Hang Kia - Pà Cò.
Phát biểu tại lễ hội, ông Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò, cho biết: “Trước đây đồng bào Mông sinh sống ở 2 xã Hang Kia - Pà Cò sống biệt lập với bên ngoài, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo huyện và Đảng ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhiều chương trình phát triển kinh tế đã được triển khai, trong đó có các đề án xóa đói giảm nghèo và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó mà đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông ở hai xã. Người dân không còn du canh, du cư mà đã sống tập trung, đoàn kết xây dựng bản làng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.
Người Mông tổ chức Lễ hội Gầu Tào với mục đích là cúng tạ trời đất, núi, sông, thần linh, cầu mong tổ tiên phù hộ ban cho con cháu sức khỏe mạnh, thịnh vượng.
Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội truyền thống của người Mông. Đây là một trong những lễ hội hiếm hoi còn giữ được những giá trị truyền thống, nguyên sơ, độc đáo và đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Trong lễ hội cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất.
Việc tổ chức lễ hội còn cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng cho dân bản.
Ông Sùng A Giống, xã Pà Cò một người am hiểu tập tục của tổ tiên, chia sẻ: “Mục đích của lễ hội là cúng tạ ơn trời đất, thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, cầu phúc, cầu lộc; phù hộ cho dân bản mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây còn là dịp để người dân trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới. Lễ hội thường được mở trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng giêng âm lịch, gồm phần lễ và phần hội. Nếu lễ hội tổ chức trong ba năm liền thì mỗi năm tổ chức trong 3 ngày, nếu lễ hội làm gộp 3 năm một lần thì diễn ra trong 9 ngày”.
Lễ hội cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.
“Trên gần ngọn cây nêu treo 3 miếng vải lanh màu đen, trắng, đỏ. Phía dưới miếng vải treo bầu rượu ngon và một dây tiền giấy bằng loại giấy bản. Trước ngày sắp diễn ra lễ hội, cây nêu đã được dựng lên hơn 1 tuần để báo hiệu cho dân bản gần xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu Tào. Tại lễ hội các thầy mo sẽ làm lễ cúng ở ngay chân cột cây nêu, nội dung bài cúng đại ý là mời tổ tiên và các thân linh chứng lễ phù hộ cho có con, gia đình khỏe mạnh, bằng an, kế tục việc làm ăn theo dòng họ…”- ông Sùng A Giống, xã Pà Cò cho biết thêm.
Dù trời rét căm căm, nhưng nhiều du khách thập phương vẫn đổ về xã Hang Kia - Pà Cò tham gia lễ hội.
Tại lễ hội du khách còn được chứng kiến và tham gia vào các hoạt động như: Múa khèn, ném pao, thăm các gian hàng ẩm thực - văn hóa và xem thi đấu các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đánh cù, giã bánh dày, kéo co...
Trẻ em người Mông xúng xính trang phục truyền thống tham gia lễ hội.
Tham gia lễ hội, anh Hà Quách Văn Đông, du khách đến từ huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, hồ hởi cho hay: Lễ hội Gầu Tào ở Mai Châu có nét độc đáo riêng, khác biệt với các lễ hội của các dân tộc Thái, Mường... của tỉnh Sơn La. Khi tiếng khèn vang lên, mọi người cùng nắm tay nhau vòng tròn nhảy múa quanh cây nêu, tôi thấy rất ấn tượng. Đây có thể nói là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Mông Pà Cò và Hang Kia”.
Tại lễ hội còn diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, tạo nên 1 không khí nhộn nhịp nơi rẻo cao.
Lễ hội Gầu Tào được tổ chức vào dịp cận tết âm lịch không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, tăng cường tính đoàn kết, gần gũi cho bà con trong dịp cuối năm mà còn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người vùng cao, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần xóa nghèo, nâng cao đời sống đồng bào Mông.