Dân Việt

Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào sau vụ tướng Soleimani bị sát hại?

Nguyễn Thái - Foreign Affair 06/01/2020 14:55 GMT+7
Việc Mỹ tiêu diệt tướng Soleimani của Iran, một trong những nhân vật quan trọng và quyền lực nhất Trung Đông, là bước đi vô cùng mạo hiểm. Tehran dĩ nhiên không thể ngó lơ việc này.

img

Thiếu tướng Iran Qasem Soleimani, người vừa bị Mỹ sát hại, là nhân vật tầm cỡ không chỉ ở Iran mà còn trong khu vực Trung Đông

Theo Foreign Affair, thiếu tướng Qasem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds - đơn vị thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng cũng như uy tín nhất tại Iran, đồng thời là "cái gai trong mắt" người Mỹ.

Soleimani lãnh đạo chiến dịch của Iran nhằm trang bị và huấn luyện các nhóm dân quân Shiite ở Iraq - nhóm liên quan tới cái chết của 600 lính Mỹ trong giai đoạn 2003-2011 - và trở thành nhân vật đại diện cho ảnh hưởng chính trị của Iran tại Iraq trước khi bị sát hại, nổi bật nhất là nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Chỉ huy lực lượng Quds còn là người thúc đẩy các chính sách của Iran để hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bao gồm việc triển khai 5 vạn binh sĩ Shiite tới Syria. Soleimani cũng là cầu nối trong mối quan hệ giữa Tehran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Với các lý do đó, Soleimani được coi là một nhân vật tầm cỡ không chỉ ở quê nhà Iran mà còn cả trong khu vực Trung Đông.

Nói ngắn gọn, việc Mỹ tiêu diệt Soleimani, một trong những nhân vật quan trọng và quyền lực nhất Trung Đông, là bước đi mạo hiểm và dễ gây leo thang căng thẳng.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump lập luận rằng Soleimani là khủng bố và việc sát hại tướng Iran này được xem như một hành động phòng thủ, giúp ngăn các cuộc tấn công tiềm ẩn trong tương lai. Bất luận điều này đúng hay sai, Mỹ có lẽ không phải lấy mạng tướng Soleimani nếu không vì các chính sách bất cẩn dưới thời Tổng thống Trump.

Tháng 5/2018, ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và ban hành các lệnh trừng phạt nhằm "gây sức ép tối đa" tới Tehran. Trong một năm, Iran đáp trả dè dặt nhằm cô lập Mỹ về mặt ngoại giao và nhận được nhượng bộ kinh tế từ các thành viên khác trong thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, những biện pháp thiếu quyết liệt của Iran không mang lại lợi ích kinh tế. Tháng 5/2019, Tehran quyết định phá bỏ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và khiến căng thẳng leo thang trong toàn khu vực.

Mở màn là cuộc tấn công bằng mìn vào các tàu chở hàng quốc tế hồi tháng 5 và 6/2019. Sau đó, Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Tới tháng 9/2019, Iran tiếp tục tấn công nhà máy sản xuất dầu tại Ả rập Saudi, nơi được xem là phần hạ tầng dầu mỏ quan trọng nhất thế giới.

Hồi tháng 12/2019, một nhà thầu Mỹ thiệt mạng khi các nhóm phiến quân người Shiite (thân Iran) nã tên lửa vào các căn cứ Mỹ tại Iraq. "Như giọt nước tràn ly", quân đội Mỹ đáp trả bằng vụ tiêu diệt Soleimani.

img

Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào sau vụ giết hại tướng Soleimani

Câu hỏi quan trọng nhất lúc này là: "Iran sẽ trả đũa Mỹ như thế nào?". Hành động của Tehran vài tháng gần đây cũng như trong quá khứ cho thấy một điều nhất quán, họ sẽ không hấp tấp đáp trả. Thay vào đó, Iran sẽ thận trọng lựa chọn một cách tiếp cận mà nước này cho là hiệu quả nhằm vào Mỹ nhưng có lẽ Tehran sẽ tránh một cuộc chiến tổng lực với Washington.

Dẫu vậy, mọi việc bất ngờ đều có thể xảy ra. Soleimani rõ ràng không thể ngờ Mỹ lại chọn cách leo thang đột ngột đến vậy, nếu không thiếu tướng Iran đã không chủ quan khi ở khu vực gần các lực lượng Mỹ tại Iraq.

Theo Foreign Affair, một điều cũng có thể lường được sau vụ Mỹ giết hại tướng Soleimani là việc Tehran sẽ tăng tốc chương trình hạt nhân của mình. Kể từ khi nước Mỹ của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, Tehran tương đối dè dặt đáp trả trong chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, một năm sau, mọi chuyện đã khác. Iran dần dần phá bỏ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân với mỗi khoảng thời gian 60 ngày. Và đợt 60 ngày tiếp theo sẽ kết thúc trong tuần này. Khả năng Iran phản ứng thiếu quyết liệt trong chương trình hạt nhân sẽ khó xảy ra, nhất là khi Mỹ vừa "châm lửa vào thùng thuốc súng" bằng vụ tiêu diệt Soleimani. Ít nhất, Iran sẽ làm giàu urani ở mức 19,75%, mức cho phép Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nước đi táo bạo nhất mà Iran có thể thực hiện là tấn công khủng bố ngay trên đất Mỹ hoặc ám sát một quan chức cấp cao của Mỹ có tầm ảnh hưởng tương tự Soleimani. Dĩ nhiên, điều này khó khăn hơn so với việc tấn công vào cơ sở và binh sĩ Mỹ ở nước ngoài nhưng đây có lẽ là cách mà Iran cảm thấy tương xứng để trả đũa Mỹ.

Lần cuối cùng Tehran thực hiện một vụ tấn công vào Mỹ là năm 2011. Khi đó, tình báo Mỹ đã chặn đứng âm mưu ám sát đại sứ Ả rập Saudi tại Washington. Vụ việc được phát hiện sớm và dễ dàng cho thấy Iran dễ bề hành động hơn khi ở trong khu vực Trung Đông. 

Ngoài ra, Iran cũng có thể tấn công vào Iraq, nơi tướng Soleimani bị lấy mạng. Không phải ngẫu nhiên, các nghị sĩ Iraq hôm 5/1 bỏ phiếu yêu cầu Mỹ phải rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố ”trả thù tàn khốc” Mỹ, quân đội Iran mạnh tới mức nào?

Các quan chức của Iran đã thề sẽ trả thù việc Mỹ sát hại một trong những tướng lĩnh hàng đầu của nước này. Muốn...