Khoảng tháng 10, sau những đợt mưa kéo dài, mứt biển bắt đầu mọc trên các rạn đá, người dân vào mùa thu hái. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Nằm ở cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng, nép mình dưới chân đèo Hải Vân, làng chài Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà nẵng) từ lâu đã nổi tiếng với nghề đi biển và làm nước mắm. Ngoài nghề chính, vào khoảng tháng 10, sau những đợt mưa kéo dài, mứt biển bắt đầu mọc trên các rạn đá, người dân nơi đây lại vào mùa hái mứt.
Rong biển được người dân làng chài Nam Ô quen gọi là mứt biển. Mứt biển thường mọc ở dưới các rạn san hô nằm sâu ở đáy biển, hay trên các rạn đá. Ở làng chài Nam Ô, mứt biển bám chặt vào các rạn đá, phủ một lớp đen bóng như chiếc áo lông thú mềm mượt, óng ánh.
Dù là đi hái "lộc biển" nhưng không phải ai cũng kiên trì, đủ sự chăm chỉ để làm nghề này. Hành trình hái mứt biển bắt đầu từ 3-4 giờ sáng, đây là thời điểm thích hợp để người dân lọ mọ ra các bãi đá hái mứt. Hành trang để hái mứt biển khá đơn giản, họ thường dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, nhỏ vừa bằng lòng bàn tay để cạo mứt biển ra khỏi đá.
Bà Phạm Thị Đậu (người dân làng chài Nam Ô) thu hái mứt biển (rong biển). Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
"Hái" mứt, người dân phải vượt qua những bãi đá trơn bóng, sắc nhọn, lởm chởm, gồ ghề đến các rạn đá sát biển. Người "hái" mứt biển thường chọn mặc áo quần bó chặt cơ thể, đầu đội mũ trùm kín chống lại với giá rét, sương sớm của biển. Ngoài ra, tránh trơn trượt, di chuyển dễ dàng họ thường đi những đôi dép có độ bám, mang gang tay bảo hộ hạn chế trầy xước khi cạo mứt biển.
Điều đặc biệt, những người hành nghề "hái" mứt biển ở làng chài Nam Ô, đa số là phụ nữ, có độ tuổi chừng 60 đến 70, tuy đã lớn tuổi nhưng hàng ngày họ vẫn cần mẫn dậy sớm đi "hái" mứt biển.
Mứt biển (rong biển) được người dân hái bằng cách dùng mảnh kim loại mỏng cào sát vào đá. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Bà Bùi Thị Tám, năm nay đã 63 tuổi, bắt đầu đi "hái" mứt biển từ khi mới 15 tuổi, Bà Tám cho biết, tuy nghề này khổ và nguy hiểm, nhưng đã thành thói quen. Cứ đến mùa mứt, hàng ngày từ 3 giờ sáng bà đã bắt đầu "hái" mứt. Mỗi lần đi "hái" như vậy, bà gom được khoảng 2 kg mứt.
"Từ 12 tuổi tôi đã bắt đầu theo gia đình "hái" mứt biển, làm nghề này phải thật kiên trì, chịu khó. Mỗi lần đi về đều rất mỏi lưng, tay, nhưng đã quen rồi không làm lại thấy khó chịu", bà Trương Thị Lược (68 tuổi) chia sẻ.
Vợ chồng ông Trần Văn Muộn và bà Phạm Thị Đậu (75 tuổi) từ 4 giờ sáng đã dậy đi "hái" mứt. Ngày thường, ông bà làm nghề bỏ mối mắm, cá cho mọi người, nhưng tới mùa mứt ông bà cũng hồ hởi đi "hái". Bà Phạm Thị Đậu tâm sự: "Hai vợ chồng cứ đến mùa lại đi "hái" mứt biển, tôi không "hái" để buôn bán mà để ăn, mứt ở đây rất ngon, ngọt, chế biến được nhiều món bổ dưỡng"
Cũng như mọi người trong làng, cô Bùi Thị Phải (70 tuổi) khoe túi đựng mứt biển vừa "hái" xong, vui vẻ cho biết, cô đi từ 4 giờ đến 7 giờ sáng "hái" được 2 kg mứt, gần đến cuối mùa nên mứt ít hơn, nhưng lần này cô "hái" về để ăn dần giáp Tết chứ không bán.
Mứt biển sau khi thu hoạch được đem phơi khô. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Theo nhiều bà con trong vùng, mứt biển sau khi hái về được rửa qua ở nước biển và thêm hai lần nước ngọt, sau đó để ráo. Mỗi ký mứt biển tươi bán với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng. Sau khi rửa, ép khô nước, mứt biển được phơi khô sẽ được bán với giá 2,5 đến 3 triệu đồng mỗi kg. Khoảng 10 kg mứt biển tươi thì sẽ được 1 kg mứt biển khô.
Mứt ở rạn Nam Ô được "hái" ngay từ lúc vừa mọc, lá mứt còn non, dai cho nên vị mứt được giữ nguyên. Khi chế biến các món ăn sẽ rất đượm vị, hòa trộn với các món khác. Người Nam Ô thường có nhiều cách để chế biến mứt biển như hầm xương, nấu canh, xào lăn đều rất ngon, đây là món ăn thấm vị mặn mòi của biển, hương vị của tình người, tình đất nơi đây.