Ngôi nhà chung châu Âu
Trong bài viết “Nước Nga và thế giới đang thay đổi” đăng trên tờ Tin tức Moscow hôm 27.2, Thủ tướng kiêm ứng cử viên Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra những định hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của xứ sở bạch dương trong thế kỷ 21.
Theo đó, Nga sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề khó khăn của Liên minh châu Âu (EU) và có thiện chí cùng EU xây dựng mái nhà chung châu Âu.
Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh về mối quan hệ đồng minh Nga – Trung Quốc. Theo ông, nước Nga cần người bạn Trung Quốc thịnh vượng và ổn định, ngược lại, Trung Quốc cũng cần đến một nước Nga hùng mạnh và thành công. Trong tương lai, hai quốc gia sẽ tiếp tục bắt tay nhau trong nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Nga sẽ tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia thành viên trong nhóm BRICS, và coi đây là định hướng ưu tiên của Moscow.
Về quan hệ với Mỹ, Thủ tướng Putin cáo buộc, Mỹ đang mưu đồ sắp xếp lại trật tự thế giới, và rằng, việc Washington theo đuổi lợi ích của họ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh thế giới, trong đó có nước Nga.
Muốn an toàn, phải hùng mạnh
An ninh nước Nga chỉ được đảm bảo khi sở hữu một lực lượng quân sự đủ mạnh. Luận điểm đó đã được ông Putin đưa ra trong bài báo: “Hùng mạnh: Bảo đảm an ninh quốc gia Nga” mới đăng gần đây.
Nga sẽ chi 23.000 tỷ rúp để phát triển và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trong thập kỷ tới – đó là cam kết của ông Putin nếu ông đắc cử Tổng thống Nga lần thứ ba.
Theo đó, quân đội Nga sẽ được “sắm” thêm 28 tàu ngầm hạt nhân, 50 chiến hạm nổi, 600 trực thăng, 600 máy bay chiến đội, 50 chiến hạm nổi, 400 hỏa tiễn …
Mục đích của ông Putin là xây dựng một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, hùng mạnh để bảo vệ đất nước và sẵn sàng đáp trả mọi thách thức đe dọa tới nền an ninh nước này.
Lọt top 5 nền kinh tế lớn
Phát biểu trong cuộc họp với các nhà sản xuất xe hơi Nga hôm thứ Tư vừa qua, Thủ tướng Putin lạc quan cho rằng: “Nga sẽ trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới xét về chỉ số GDP”.
Tuy vậy, ông Putin cũng cho rằng, sự phát triển của Nga bắt buộc phải mang tính thực chất, dựa trên sáng kiến và làn sóng công nghiệp hóa.
Thủ tướng Nga kêu gọi công cuộc đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Bên cạnh đó, thị trường lao động và giao dục đều cần phải được hiện đại hóa.
“Tôi khuyến khích một nền công nghiệp công nghệ cao của thế kỷ 21 dựa trên nền tảng thị trường tự do cạnh tranh”, ông Putin nói.
Kinh tế thịnh vượng phải đi liền với chất lượng cuộc sống của đại bộ phận nhân dân, chứ không tập trung vào một nhóm người. Đó là tư tưởng khiến ông Putin “ghi điểm” với cử tri.
Thủ tướng Nga tuyên bố, việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bên ngoài thủ đô Moscow nên là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
“Đó là một nước Nga khác. Đó là lý tưởng mà chúng ta nên hướng tới với sự tập trung cao”, ông Putin phát biểu.
Ứng cử viên Tổng thống Nga Putin tái khẳng định, giới chức nước này không hề có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu ở người lao động. Tuy nhiên, với những ai đã đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn tự nguyện làm việc tiếp thì sẽ được nhà nước đãi ngộ bằng chế độ lương và trợ cấp hậu hĩnh hơn.
Thu Thảo