Dân Việt

Đâu chỉ phụ nữ Hà Nhì mới vất vả...

02/03/2012 19:26 GMT+7
(Dân Việt) - Trong các dân tộc anh em có lẽ phụ nữ Hà Nhì vất vả nhất. Phụ nữ Hà Nhì đi làm nương, lo chuyện bên ngoài như kiếm củi, thu nương, mua trâu, bán bò, cưới gả con dâu, con gái, hầu như tất cả việc nhà “quan trọng” đều đến tay họ.

Có điều lạ là người phụ nữ Hà Nhì còn phải kiếm ăn bên ngoài như gùi thuê, làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình trong khi người đàn ông Hà Nhì nói chung chỉ làm một số việc có tên và dễ kể công như làm nhà, làm ruộng, phát nương và nấu nướng những món ăn khoái khẩu trong bếp. Phụ nữ Hà Nhì coi việc gùi củi về chất đầy nhà là nhiệm vụ không thể thoái thác của mình, dù việc đó quá ư khó khăn, vất vả.

img
Những người phụ nữ Hà Nhì ở bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, Mường Tè (Lai Châu) góp gạo thổi cơm chung trong lễ Gạ Ma Thú. Ảnh: Xuân Trường

Nhưng số phận buộc phải gắn với “niềm vui” lao động nặng nhọc ấy không chỉ của phụ nữ Hà Nhì. Người phụ nữ Kinh và các dân tộc khác, nhất là phụ nữ nông thôn cũng vất vả không kém. Hãy về một xóm ở Hải Dương, Hưng Yên miền Bắc, ở Hà Tĩnh, Nghệ An miền Trung hay một ấp ở đồng bằng sông Cửu Long Nam Bộ. Đâu đâu cũng thấy cảnh người phụ nữ chịu thương, chịu khó, làm đủ thứ việc ngoài đồng, trong nhà.

Trong khi đó, những ông chồng ngày nay không biết học ở đâu, lại nảy sinh quá nhiều thói hư tật xấu. Như cờ bạc, nhậu nhẹt, lười biếng, đã ỉ lại vợ con lại còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân đánh đập hành hạ vợ con chân yếu tay mềm, khi được can ngăn lại không vừa ý mà không biết xấu hổ.

Ca ngợi công lao, phẩm chất của phụ nữ các dân tộc Việt Nam một ngày trong năm như là chuyện không phải bàn. Với người phụ nữ nông thôn, ngày 8.3 không phải là hoa, là những món quà “nịnh đầm” kiểu thành thị. Mà phải là khởi điểm hàng năm của một cuộc vận động về trách nhiệm của đàn ông đối với gia đình, vợ con, về ý thức thi hành luật pháp về bình đẳng giới trong đối xử và phân công lao động trong gia đình, ngoài xã hội.