Kể từ ngày 23/02/2019 (ngày phát hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên tại Thanh Hóa) đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 27/27 huyện, thị với 25.597 hộ gia đình của 2.222 thôn và 458 xã; buộc phải tiêu hủy 213.755 con lợn với tổng trọng lượng 14.370.900 kg lợn.
Từ ngày 23/02/2019 (ngày phát hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên tại Thanh Hóa) ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vẫn luôn được người chăn nuôi lập chốt để ngăn chặn dịch tái phát trở lại.
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Đặng Văn Hiệp - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn Thanh Hóa có hàng chục nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, khiến công tác kiểm soát dịch tả lợn châu Phi rất khó khăn. Hiện, đa số người chăn nuôi lợn đang phải gánh chịu thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi cũng không dám “đánh liều” việc tái đàn lợn.
Tính đến thời điểm này, tổng đàn lợn của Thanh Hóa có 955.383 con (trong đó, lợn thịt là 501.840 con, lợn nái 126.190 con và 317.162 con lợn con) vì vậy đàn lợn trong tỉnh vẫn đảm bảo đủ nguồn cung trong trước và sau Tết Nguyên đán 2020.
Hiện, người chăn nuôi trên địa bàn chưa dám tái đàn vì dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa thể ngăn chặn được triệt để nên việc tái đàn lúc này rất dễ nhiễm bệnh trở lại. Dù giá thịt lợn tăng cao nhưng tỉnh cũng đã khuyến cáo bà con không nên tái đàn nếu trang trại không đạt chuẩn…
Từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Thanh Hóa cả hệ thống chính trị của tỉnh đều vào cuộc để ngăn chặn, phòng chống rất tích cực. Trong ảnh: Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa chỉ đạo xử lý tiêu hủy lợn bị dịch.
Theo ông Hiệp, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ra Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 04/11/2019 yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đối với các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, cơ sở chăn nuôi khép kín nếu thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học… tại những vùng bị dịch hoặc không có dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch thì cho phép thực hiện tái đàn nhưng phải đảm bảo con giống có nguồn gốc rõ ràng, có hồ sơ giống và thông tin liên quan.
Nếu các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có hệ thống chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo an toàn sinh học chăn nuôi thì khuyến cáo không nên tái đàn.
Hiện Thanh Hóa có 3 huyện Mường Lát, Thường Xuân, thị xã Bỉm Sơn và 276 xã công bố ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi qua 30 ngày nhưng không phát sinh dịch lại. Trong đó, số hộ chăn nuôi lợn ở Thanh Hóa hiện tại 78.190 hộ (trước dịch là 97.477 hộ), 1.106 trang trại (trước dịch là 1.219 trang trại).
Công tác kiểm tra và xử lý việc vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm định luôn được Thanh Hóa kiểm soát rất chặt chẽ.
“Nếu muốn tái đàn lợn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị nhiễm dịch tả châu Phi hoặc đã bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát dịch bệnh… thì chủ cơ sở phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi. Ngoài ra, phải nâng cấp cơ sở vật chất chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học. Khi tái đàn, người dân chỉ nên nuôi với số lượng ít. Sau khi nuôi được 30 ngày, người chăn nuôi lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi thì mới mở rộng quy mô. Việc nhập giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Đối với thức ăn chăn nuôi lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho ăn, không sử dụng thức ăn thừa. Đối với người chăn nuôi lợn cần phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe đàn lợn để phát hiện và xử lý kịp thời những bất thường trên đàn lợn nuôi và khai báo ngay với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nếu phát hiện những biểu hiện của đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi”. Ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng chi chục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa khyến cáo với người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những lưu ý cơ bản khi người chăn nuôi muốn tái đàn lợn.