Với những kết quả quan trọng đã đạt được, huyện Gia Lâm hứa hẹn trở thành đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội vùng phía đông của thủ đô Hà Nội.
Cách làm bài bản kết hợp huy động sức dân
Đến nay, 20/20 số xã của huyện Gia Lâm đã đạt chuẩn NTM, trong đó huyện đã triển khai 15 tuyến đường quan trọng; các thiết chế văn hóa, trạm y tế xã đã được đầu tư đồng bộ; 82,5% dân số được sử dụng nước sạch; 84,6% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia…
Sau khi triển khai xây dựng NTM, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; rau sạch thủy canh ở xã Đa Tốn; các mô hình trồng cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt thu nhập bình quân tới 306 triệu đồng/ha.
Bà Nguyễn Thị Chung, thôn Hoàng Long, xã Đặng Xá (Gia Lâm) chăm sóc rau an toàn theo mô hình PGS (quy trình canh tác có sự tham gia giám sát của các bên). (ảnh: Anh Thơ)
Đánh giá sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, ông Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, với sự quyết tâm, nỗ lực, cách làm bài bản, chắc chắn của cả hệ thống chính trị, nhất là có sự đồng lòng, giúp sức của toàn dân nên huyện Gia Lâm đã cán đích huyện NTM.
“Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 55,4 triệu đồng/người/năm, tăng 37 triệu đồng so với năm 2010; đặc biệt huyện không còn hộ nghèo”- ông Quân nói.
Chia sẻ những đổi thay của địa phương từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, ông Đinh Văn Việt (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) cho biết: “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, đời sống người dân chúng tôi đã được nâng cao đáng kể, từ đó cũng có điều kiện đóng góp nhiều hơn vào xây dựng NTM của địa phương, trong đó gia đình tôi cũng đã hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn”.
Ông Vũ Quang Chuyển (xã Trung Mầu, Gia Lâm) cho biết, gia đình ông đã hiến 20m2 đất để làm đường giao thông rộng rãi. Từ khi xây dựng con đường mới, việc đi lại thuận tiện hơn nhờ lòng đường mở rộng, hai bên đường nhà cửa trang trí sạch đẹp, người dân chúng tôi rất phấn khởi.
Cũng theo ông Lê Anh Quân, trong xây dựng NTM, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống được huyện quan tâm đặc biệt. Các làng nghề truyền thống như: May da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, trong đó 5/19 bộ sản phẩm đã được thành phố cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị
Với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ phía đông của Thủ đô, có nhiều làng nghề truyền thống từ lâu đời, lại là miền đất nằm giữa 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, huyện Gia Lâm có rất nhiều ưu thế trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị.
Dù đã về đích nhưng chúng tôi xác định sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xây dựng và hoàn thiện Chương trình xây dựng NTM theo hướng nâng cao các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn NTM; gắn định hướng xây dựng NTM với tiến trình đô thị hóa trên địa bàn”. Ông Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm |
“Do đó, chúng tôi đã xây dựng, triển khai phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường gắn với đề án đầu tư xây dựng, xã hội hóa hệ thống đường làng, vườn hoa, sân chơi…, đồng thời tập trung xử lý, nâng cao chất lượng môi trường trong các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp”- ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết.
Ông Thuần cho biết thêm, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, trong đó coi trọng quy hoạch các đường trục chính và khu trung tâm của các xã. Song song với đó, việc xây dựng các đề án phải căn cứ theo quy hoạch và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và tầm nhìn phát triển dài hạn. Cuối cùng, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phải đồng bộ và gắn với quy hoạch chung.
Phát biểu tại lễ đón nhận quyết định huyện Gia Lâm là huyện NTM, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là niềm mong mỏi của nhân dân, Hà Nội luôn nỗ lực cố gắng và đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, đến nay Hà Nội đã có 6 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó Gia Lâm đã có những đóng góp không nhỏ.
Bà Hằng nhấn mạnh, Gia Lâm là huyện ngoại thành, nơi giao thoa của văn hóa Thăng Long với văn hoá Kinh Bắc, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, vì vậy đề nghị huyện Gia Lâm cần tiếp tục phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển gắn với xây dựng đô thị văn minh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư hạ tầng đồng bộ…