Thực khách giảm mạnh
Từ lâu nhiều tín đồ ẩm thực Sài thành đã ví bờ kè kênh Nhiêu Lộc (đoạn đi qua nhiều quận gồm Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh, quận 1) là "thiên đường" của dân nhậu, một thứ "đặc sản" với mọi đối tượng khách hàng, từ giới bình dân cho tới những người sang chảnh. Tuy nhiên, ghi nhận tại "thiên đường nhậu" những ngày này, lượng khách đến các quán giảm mạnh.
Đang thời điểm cuối năm nhưng lượng khách đến các quán nhậu tại TP.HCM vẫn giảm mạnh. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Anh Việt, đại diện quán nhậu Đường Phố trên đường Hoàng Sa (quận Tân Bình) cho biết, sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1 thì lượng khách đến quán bắt đầu trở nên thưa thớt.
“Mọi hôm cứ tầm 8-9h tối là đông khách lắm mà hôm nay vắng như vậy đó, cả quán chỉ có 2 bàn. Khách sợ bị phạt nồng độ cồn nên đâu có đi nhậu nhiều như trước”, anh Việt nói.
Theo anh Việt, lượng khách trong những ngày qua giảm tới 70% so với trước, kéo theo doanh thu cũng tụt thê thảm. Trong khi, cuối năm là đợt có doanh thu cao điểm nhất vì liên hoan, tất niên nhiều.
Một số quán nhậu khác trên đường Trường Sa cũng có cảnh buôn bán ảm đạm tương tự quán của anh Việt, mỗi quán chỉ “lác đác” vài ba bàn nhậu. Trong khi đó, trước đây, khu vực này luôn ồn ào, náo nhiệt về đêm. Không khí ăn nhậu rầm rộ từ tối đến mờ sáng hôm sau.
Anh Quang Đức (nhân viên phục vụ tại một quán ăn trên đường Trường Sa - quận 3) nói: "Không rõ nguyên nhân có phải do Luật Phòng chống tác hại rượu bia hay không nhưng từ đầu tháng tới giờ, lượng khách tới quán giảm rõ rệt so với trước đây. Bọn em thay vì chạy mệt nghỉ như trước thì bây giờ có khi chỉ ngồi... chơi hết buổi".
Tại một số khu vực lân cận, tình trạng buôn bán cũng không khả quan hơn. Theo đại diện một số quán nhậu trên đường Thành Thái và Phạm Văn Hai, lượng khách đến quán giảm mạnh đang khiến doanh thu của các quán nhậu “tụt dốc”. Nhiều quán có doanh thu giảm từ 30 - 50% trong vài ngày qua. Một số quán nhậu lâu năm, doanh thu lớn cũng chịu cảnh sụt giảm khách hàng tương tự. Trong bối cảnh này, một số quán đã phải lên phương án cắt giảm nhân sự để giảm bớt chi phí kinh doanh.
Quán nhậu trên đường Hoàng Sa vào lúc hơn 20h tối chỉ có duy nhất 1 khách ngồi. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Những bàn ăn không bia rượu
Sau khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, nhiều người dân tại TP.HCM cho biết khá lo lắng về mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi có sử dụng rượu bia.
Anh Bùi Thế Hùng (quận Phú Nhuận) nói: "Trước nhậu vô tư không nghĩ gì, nhưng giờ chắc mỗi khi đi nhậu phải bỏ xe ở nhà, say thì bắt taxi về. Tuy tốn kém hơn một chút nhưng đảm bảo an toàn, lại không vi phạm luật mới. Cuối năm nhiều liên hoan, tiệc tùng cũng hại sức khoẻ, nhân tiện năm nay sẽ có lý do để đỡ phải uống nhiều như những năm trước".
Trong khi đó, nhiều người quyết định thay đổi đồ uống vì Luật Phòng chống tác hại rượu bia. Ghi nhận của PV, nhiều bàn tiệc đã không có rượu, bia, thay vào đó là những loại nước ngọt, nước suối dù đàn ông luôn chiếm tỉ lệ lớn trong bàn. Đặc biệt là bàn tiệc của các bạn trẻ, trên bàn chủ yếu là nước ngọt nhưng không khí liên hoan vẫn rất vui vẻ.
Anh Nguyễn Văn Bình (quận 3) nói: "Thường thì đã ra quán ăn thế nào tôi cũng uống ít nhất 2-3 ly bia, nhưng hôm nay không uống nữa, chuyển qua dùng nước suối. Mức phạt cao bằng cả tháng lương, không sợ cũng không được".
Bạn Công Tuấn (quận 1) chia sẻ, hôm nay là buổi liên hoan nhóm bạn. Bình thường, cả nhóm đều uống bia để có không khí rôm rả hơn. Tuy nhiên, hôm nay cả nhóm quyết định không uống.
“Bọn mình đều đi xe máy đến quán nên tất cả thống nhất không uống bia, ai cũng sợ bị phạt nặng. Không uống bia vừa an toàn, vừa không lo bị phạt. Bọn mình uống nước ngọt nhưng không khí vẫn rất vui”, Tuấn nói.
Anh Hải (quận 2) cho biết, cuối tuần anh cũng thường tụ tập bạn bè ngồi nhậu ở khu Vĩnh Khánh (quận 4). Tuy nhiên, sau khi có luật phòng chống tác hại của rượu bia, việc rủ "đồng đội" đi nhậu cũng khó hơn trước.
“Thay vì đi xe máy, giờ phải mất thêm tiền và công đặt xe cả lượt đi lẫn lượt về nên mấy ông bạn cũng làm biếng. Tôi ở gần thì không sao, có ông ở cách chục cây lại mất thêm trăm ngàn tiền di chuyển, cộng với tiền nhậu thì khó quá. Bọn tôi toàn dân lao động, thu nhập cũng không dư dả gì nên tốt nhất hạn chế lại cho khoẻ", anh Hải nói.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng nếu nồng độ cồn ở mức cao nhất. |