Cụ thể, trong khi Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 quy định không xử phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trong hơi thở có nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020 xử phạt với cả lái xe đạp, xe máy khi tham gia giao thông trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể mức nào gây ra nhiều tranh cãi.
Trước những thông tin gây xôn xao về mức xử phạt uống rượu bia này, đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm lái xe: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định: Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Vị này khẳng định không có chuyện chồng chéo giữa Nghị định 100/CP với các quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Bởi vì, trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ, với quy định nghiêm cấm lái xe điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu.
Bên cạnh đó, Nghị định 100/CP không chỉ phục vụ thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, mà còn để bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt khi thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn. Trong quá trình soạn thảo, Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành lấy ý kiến góp ý, thảo luận kỹ lưỡng, rộng rãi theo các quy trình bình thường.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí về Nghị định 100/2019/NĐ-CP, luật đã có hiệu lực rồi, đồng thời để đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, đảm bảo trật tự giao thông trong dịp năm mới, cần ủng hộ việc làm của Chính phủ, vì tính cấp thiết.
Điều quan trọng là qua Nghị định này có những vướng mắc gì cần phải có sơ kết ngay trong giai đoạn đầu để chúng ta có điều chỉnh kịp thời, bổ sung cho hoàn thiện. Đảm bảo làm sao trong quá trình thực hiện không được phép để xảy ra vi phạm các vấn đề dư luận xấu về việc thực hiện đạo luật đó, Nghị định đó.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ, Bộ Công an, Bộ GTVT các cơ quan hữu quan cần phải cập nhật thường xuyên thông tin trên báo chí và những vấn đề trên mạng xã hội về ý kiến của người dân, những phản hồi của người dân để nghiên cứu ngay, không thể chủ quan. Nghiên cứu ngay ý kiến đó, cần giải thích cho người dân hiểu rõ, để họ tuân thủ và thực hiện nghiêm túc. Tóm lại, cần phải cân nhắc, cập nhật thường xuyên trong việc áp dụng, triển khai.