Hiến tạng – Cho đi là còn mãi Có người mẹ hằng đêm vẫn khóc vì nhớ con, người vợ không ngủ nổi vì nhớ chồng… Mất đi một người thân yêu là đớn đau vô cùng đối với những người ở lại nhưng ở đời, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” có ai chống được? Người Việt vốn tín tâm, họ mong muốn con người sống thế nào thì khi chết cũng phải “toàn thây”. Chính vì thế, có không ít người mẹ, người vợ đã bị “miệng đời” giày xéo tâm can khi quyết định hiến tạng của con, chồng mình cho y học để cứu người. Thế nhưng, sau tất cả, họ vẫn có quyết định của riêng mình để làm một nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng dám làm. Một phần cơ thể của người đã khuất sẽ mang lại sự sống cho những người đang lâm trọng bệnh. Cho đi là còn mãi. Một người mất đi nhưng sự sống của họ vẫn hiển hiện trên cõi đời này. Chúng tôi xin đăng tuyến bài: Hiến tạng – Cho đi là còn mãi. |
Nét suy tư trên khuôn mặt bà Cấn Thị Ngần khi nhắc về con trai
“Con đi vắng chứ không phải mất”
Những ngày tháng 10, chúng tôi tìm về thôn Độ Lân (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) để tìm gặp bà Cấn Thị Ngần (SN 1960). Bà Ngần là ai? Có lẽ với nhiều người, bà chỉ là một người phụ nữ thôn quê bình thường, chân chất. Thế nhưng, với tôi, bà là một người mẹ vĩ đại, một người có tấm lòng nhân hậu.
Năm 2016, bà Ngần đã làm một việc mà không phải ai cũng dám làm, đó là hiến tạng của cậu con trai út đã chết não cho y học để cứu người. Cũng từ đó, 5 trường hợp đã được “hồi sinh” từ nguồn tạng của con trai bà Ngần.
Mất đi một người thân đã là đớn đau vô cùng đối với những người ở lại. Vì vậy, quyết định cho đi một phần cơ thể của người thân khi đã mất càng là một quyết định quá đỗi khó khăn. Dù biết đó là một việc làm hết sức ý nghĩa, thế nhưng thử hỏi, đặt mình ở vị trí của họ, có mấy người dám đưa ra quyết định như vậy?
Ngôi nhà của bà Ngần ở thôn Độ Lân (huyện Quốc Oai, Hà Nội)
Lúc chúng tôi đến, bà Ngần đi vắng. Một người hàng xóm cho biết, buổi sáng bà ăn sáng ở quán cháo rồi nói có việc lên Hà Nội đến trưa mới về. Chúng tôi tranh thủ hít thở không khí ở làng quê yên bình để chờ bà.
Gần 12h trưa, bà Ngần về. Khuôn mặt phúc hậu, mái tóc dài chớm có sợi bạc, người phụ nữ đã 60 tuổi tươi cười đon đả mời chúng tôi vào nhà. Bà rót nước, hỏi han chuyện trò với chúng tôi như thể những người đã quen biết từ trước đó.
Trò chuyện vui vẻ một lát, chúng tôi nhắc về chuyện của cậu con trai, khuôn mặt bà Ngần bỗng trùng xuống, nét suy tư, trầm ngâm hiện rõ trên khuôn mặt. Bà cho biết, đã hơn 3 năm trôi qua nhưng hình ảnh con trai chưa bao giờ nguôi trong bà.
“Tôi cảm giác như con chỉ đi vắng chứ không phải mất”, bà Ngần nghẹn ngào.
Tiếng xấu bán nội tạng con trai
Nhớ lại quãng thời gian đó, bà Ngần bật khóc. Cuối tháng 7/2013, con trai út bà là anh Trịnh Đình Vàng (SN 1986) khi ấy còn chưa xây dựng gia đình, trong một tối lên lan can tầng 2 nằm hóng gió. Do ngủ quên nên bị ngã xuống đất. Đến khi mọi người phát hiện và đưa vào Bệnh viện 103 thì anh Vàng đã rơi vào trạng thái chết não 99%, khả năng cứu sống không còn.
Anh Vàng mất nhưng nguồn tạng của anh đã cứu sống 5 người
Lúc con trai gặp nạn, bà Ngần đang đi làm giúp việc trông trẻ ở trên Hà Nội. Nhận tin báo, bà lao ngay đến viện. Chứng kiến cảnh con trai nằm bất động trên giường bệnh, đầu băng bó… trái tim bà như bị bóp nghẹn. Khoảnh khắc âm dương chia lìa khiến bà ngã quỵ. Đôi chân run run, đôi mắt mờ đi, bà quay cuồng vì không dám tin đó là sự thật.
Cú sốc mất con trai còn chưa kịp nguôi thì một cú “sốc” khác đến với bà. Đó là khi các bác sĩ và chuyên viên của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia gặp bà và gia đình để vận động hiến tạng anh Vàng cứu người.
“Lúc ấy, tôi cũng như người nhà không đồng ý, mọi người phản đối kịch liệt. Phải mất nửa ngày suy nghĩ, tôi mới đồng ý dù lòng nặng trĩu. Cứu một người phúc đẳng hà sa, dù thương con lắm nhưng nghĩ đến việc nhiều người khác cũng đang đối diện cái chết như con mình tôi không kìm lòng được. Số con đoản mệnh, nội tạng của con cứu được người thì sự sống của con vẫn tồn tại.
Con cháu xúm lại bảo tôi đừng làm thế. Người ngoài, hàng xóm không biết thì bàn tán bảo tôi bán nội tạng con, không biết đau xót con… Đau con 1, đau miệng thế gian 10”, bà Ngần rưng rưng nước mắt.
Thế nhưng, sau tất cả, bà Ngần vẫn nén đau thương để làm phước. Khi chúng tôi hỏi, nếu được lựa chọn lại, bà có quyết định hiến tạng con trai nữa không. Bà Ngần không chút suy nghĩ mà trả lời rằng “Có”.
Với bà, cho đi là còn mãi. Cũng chính vì thế, không chỉ hiến tạng con trai mà sau đó, bà Ngần đã đăng kí hiến tạng mình sau khi chết/chết não.
Bà Ngần và 5 “người con”. Ảnh NVCC.
Mất 1 người con nhưng có thêm 5 người con khác
Sau khi bà Ngần đồng ý hiến tạng con trai, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy tim, gan, 2 quả thận và 2 giác mạc của anh Vàng để tìm ghép với người phù hợp.
Bà Ngần tâm sự, khi hiến tạng con, bà không mong sẽ nhận được báo đáp gì của người nhận hay người nhà họ. Cái bà mong muốn duy nhất là một bộ phận cơ thể con trai mình sẽ còn được sống trong cơ thể người khác, như vậy có nghĩa là con đang tồn tại.
Theo quy định của bệnh viện, các bệnh nhân cho và nhận tạng sẽ không được biết thông tin của nhau. Chính vì vậy, quãng thời gian sau khi hiến tạng con, bà Ngần đau đáu một nỗi niềm được gặp những người đã nhận tạng của con mình.
Và rồi niềm mong mỏi ấy của bà cũng trở thành sự thực, khi khoảng 6 tháng sau, một chiến sĩ cảnh sát biển ở Quảng Bình tìm về thăm bà, đó là anh Nguyễn Nam Tiến, người được nhận trái tim của anh Vàng.
Khoảnh khắc ấy, 2 người tuy xa lạ nhưng như có thần giao cách cảm, họ nhận ra có gì đó thân thuộc rồi 2 người ôm nhau khóc nức nở. Sợ anh Tiến vừa ghép tim xong, quá xúc động sẽ ảnh hưởng sức khỏe nên bà Ngần kìm lòng lại. Hai người ngồi tâm sự, chuyện trò rồi nhận nhau là mẹ con.
Sau anh Tiến, bằng cách nào đó, những người còn lại nhận tạng của anh Vàng lần lượt tìm về nhà bà Ngần và nhận bà là mẹ. Đó là chị Trần Thị Hậu (Lạng Sơn) và anh Vương Xuân Cường (Sơn La) – 2 bệnh nhân được ghép thận; chị Đinh Thu Thủy và anh Nguyễn Xuân Hưng (đều ở Hà Nội) - những người được nhận giác mạc.
Bà Ngần cùng “cô con gái” Trần Thị Hậu chỉ kém 8 tuổi. Ảnh NVCC.
“Nghẹn ngào giọt lệ tuôn rơi. Sự sống con đã trở về bên tôi. Năm người xa lạ lặng im. Ôm chặt giây phút cố kìm nỗi đau. Con ơi, tình nghĩa đậm sâu. Tim con vẫn đập bấy lâu trên đời. Mắt con sáng mãi ngời ngời. Sự sống trao tặng 5 người 5 nơi…”, đó là những câu thơ bà Ngần sáng tác khi gặp lại những người nhận tạng của con mình.
Với bà Ngần, bà đã quá mãn nguyện khi gặp lại được những người đã nhận tạng của con trai mình. Mất đi 1 người con nhưng bà đã có thêm 5 người con khác, trong số ấy, có người chỉ kém bà 6 tuổi hay 8 tuổi nhưng họ vẫn gọi bà là mẹ.
Bức tranh “Bóng Cả” do 5 “người con” tặng bà Ngần
Trong bức tranh “Bóng cả” treo ở gian chính ngôi nhà bà Ngần do 5 người con Hậu - Cường - Tiến - Thủy – Hưng tặng có đề 2 câu: “Cảm ơn mẹ sinh ra con thêm lần nữa. Công ơn này con mãi khắc ghi”. Bức tranh có một tán cây chót vót tỏa bóng rộng dưới bầu trời trong xanh, như thể lòng mẹ chở che đàn con an trú.
Cho đến hiện tại, khi mọi chuyện đã nguôi ngoai, bà Ngần không còn đi làm thuê nữa. Bà trở về quê vui cùng đồng ruộng, trông nom các cháu nội và cháu ngoại. Bà cũng là đội trưởng đội văn nghệ của thôn Độ Lân với tài ca hát, múa thuộc dạng cừ khôi.
------------------------
Đón đọc kỳ tiếp theo: Con trai hiến tạng cứu người: Giọt nước mắt nghẹn ngào của người cha vào 13h ngày 30/1/2020 trên mục Tin tức trong ngày.
Đã hơn 14 ngày kể từ đêm định mệnh mà vợ chồng ông Be, bà May tiễn đưa người con trai về nơi chín suối nhưng những...