Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Mỗi năm tổng lượng nước về Việt Nam khoảng 850 tỷ m3. Đây là lượng nước rất lớn, tuy nhiên 2/3 lượng nước này xuất phát từ các dòng sông chảy từ nước ngoài về nên phụ thuộc rất nhiều vào thượng nguồn.
Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục hồi năm 2015-2016, lần đầu tiên ngành NNPTNT đã ghi nhận tăng trưởng âm. Vậy, năm nay Bộ đã có giải pháp đối phó với hạn hạn, xâm nhập mặn như thế nào để duy trì và tăng cường sản xuất nhằm giữ đà tăng trưởng của ngành?
- Theo thống kê, hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 đã gây thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa, 60.000-70.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng, không khôi phục lại được; có thời điểm có đến 500.000 người thiếu nước sinh hoạt và năm đó tăng trưởng âm.
Nhắc lại câu chuyện 2015-2016 để thấy rằng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL tác động rất lớn đến khu vực đó và tình hình sản xuất của cả nước. Chúng ta biết ĐBSCL chiếm tới 60% sản lượng lúa, một nửa sản lượng về thủy sản; trái cây, rồi xuất khẩu cơ bản đều ở vùng này thì rõ ràng tác động ngay đến nông nghiệp cả nước.
Hạn hán, xâm nhập mặn 2019-2029 tương đương và có thời điểm còn khốc liệt hơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn kỷ lục 2015-2016. Nhưng chúng ta đã dự báo từ trước nên chủ động các giải pháp ứng phó từ rất sớm nên thiệt hại được giảm thiểu đến mức rất thấp.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT (ông Hiệp bên phải ảnh) đi kiểm tra các công trình chống hạn, mặn ở Trà Vinh.
(ảnh: Huỳnh Xây)
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về việc Bộ đã dự báo tình hình sớm và chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất và đời sống của người dân trước nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và vượt mức kỷ lục trước đó?
- Ngay từ tháng 9/2019, khi đang có lũ nhỏ ở ĐBSCL thì Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị để bàn giải pháp ứng phó. Sau hội nghị đó, Bộ NNPTNT đã quyết định đẩy lịch gieo cấy lúa đông xuân sớm hơn bình thường 1 tháng và dùng các giống ngắn ngày. Đến nay, diện tích lúa cấy sớm đã ngậm đòng, trổ bông; một số diện tích đã gần đến thời kỳ thu hoạch nên thiệt hại sẽ ít đi rất nhiều.
Đối với sản xuất, ngoài việc đẩy vụ lên thì đến thời điểm này, có một số nơi dù đã khuyến cáo nhưng bà con vẫn gieo sạ nên diện tích lúa bị ảnh hưởng có thể lên tới 150.000ha. Những diện tích bị ảnh hưởng này có giải pháp khoanh lại để có giải pháp tưới phù hợp.
Đối với các diện tích không thể gieo trồng được thì có hai cách: Một là chuyển sang cây trồng khác, hai là không gieo trồng. Đến thời điểm này cả vùng có khoảng gần 40.000ha bà con chấp nhận không gieo sạ. 40.000ha này không phải là lớn trong tổng số hàng triệu ha trồng lúa hiện nay.
Về cây ăn trái, chúng tôi đánh giá có khoảng 136.000ha sẽ bị ảnh hưởng. Như chúng ta biết, cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn, mặn thì thiệt hại rất lớn. Chính vì thế, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo bằng tất cả các giải pháp làm bờ bao, kênh dẫn… và chủ động tính toán độ mặn để lấy nước tưới, không để ảnh hưởng đến cây ăn trái.
Chúng tôi cũng sẽ gửi bản đồ cảnh báo thiếu nước sinh hoạt và đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ nước cho người dân. Rất nhiều địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã kéo dài ống nước ở các nhà máy nước đang có để cấp nước ngọt cho rất nhiều hộ.
Các công trình thủy lợi chống hạn, mặn mà Bộ NNPTNT đang đầu tư thì cuối năm 2020 và một số vào năm 2021 mới khánh thành. Nhưng chúng tôi đã dự báo trước tình hình hạn hán, xâm mặn nên đã đẩy nhanh tiến độ thi công”. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp |
Bộ trưởng vừa quyết định thành lập tổ công tác tiền phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 vùng ĐBSCL và Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp được giao là tổ trưởng. Thứ trưởng có thể cho biết công việc, nhiệm vụ chính của tổ?
- Tổ này có 3 nhiệm vụ chủ yếu: Một là đi thực tế để nhận định đúng tình hình, thứ hai, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương các giải pháp, kể cả công trình và phi công trình. Thứ ba, đề xuất, kiến nghị những giải pháp cần Nhà nước, Chính phủ phải đầu tư ngay lập tức để giúp cho khu vực này.
Tổ công tác này sẽ có bộ phận thường trực tại ĐBSCL từ nay đến hết tháng 3/2020. Nguyên tắc là chúng tôi sẽ đi đến từng tỉnh một, cùng với lãnh đạo địa phương xem xét một cách hết sức cụ thể, đánh giá đúng tình hình để từ đó cùng các địa phương có giải pháp xử lý.
Trong đợt công tác này, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đặc biệt với các cơ quan truyền thông để cung cấp thông tin tốt nhất, nhanh nhất, chính xác nhất cho bà con trong vùng biết được tình hình và các giải pháp, cách thức ứng phó, phòng chống cụ thể.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!