Đường lên Hang Kia - Pà Cò giờ đã đi lại dễ dàng hơn, chứ không còn xa ngái như trước. Dốc đá làm chồn chân ngựa năm nào được thay thế bằng con đường bê tông phẳng lì xuyên qua vườn mận trắng muốt đang bung nở. Con đường cũng như là một cầu nối để du khách đến với miền cổ tích này nhiều hơn.
Hoa mận nở báo hiệu những ngày giá lạnh nơi cao nguyên đang lùi xa, mở ra những ngày nắng ấm.
Hang Kia - Pà Cò điểm đầu của cao nguyên Mộc Châu. Vào những ngày này hoa mận bung nở trắng trời.
Thung lũng Hang Kia. Ảnh: Phuong Nguyen
Trong sương sớm, những vườn mận đang độ mãn khai nở trắng rừng. Bên bờ rào đá, hay sau vườn nhà của bà con người Mông, nơi nào cũng trồng mận, trồng đào. Người Mông cũng rất yêu loài hoa này, nên nhà nào cũng trồng rất nhiều. Những vườn mận nở trắng tinh khôi nối nhau dài tít tắp. Cả một thung lũng hoa mận đang bung nở như dâng hiến hết mình cho mùa xuân của đất trời.
Màu trắng tinh khôi của hoa mận như dải mây trắng bồng bềnh ôm trọn lấy thung lũng Hang Kia - Pà Cò.
Hoa mận nở cũng là lúc bà con người Mông nơi đây ăn Tết. Họ ăn Tết suốt cả tháng Chạp. Bỏ lại sau lưng những ngày lao động gian khổ, nam, phụ, lão, ấu nơi đây cùng hòa mình đón Tết. Xuýt xoa trong cái lạnh nơi cao nguyên, du khách đến đây sẽ được hòa mình vào với nền văn hóa bản địa.
Trên là nền trời trong xanh và sâu thăm thẳm, dưới là màu trắng tinh khôi của hoa mận.
Du khách đến Hang Kia vào những ngày này sẽ được hòa mình đón Tết cùng bà con người Mông. Ảnh: Y Múa
Bất cứ một ai đến đây du xuân cũng được bà con người Mông mời vào nhà uống rượu. Thứ rượu ngô thơm nứt chai cùng món bánh dày dẻo như kẹo kéo như một món quà đầy ý nghĩa mà bà con gửi tới du khách. Trong bàn rượu, không phân biệt thân sơ, họ cùng cười nói rôm rả.
Hoa mận nở cũng là quãng thời gian bà con người Mông đón Tết.
Các bé gái người Mông khoác lên mình bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu của dân tộc mình cùng nhau đi chơi Tết.
Những nụ cười hồn nhiên của các em bé vùng cao như đốn tim du khách.