Sau gần 10 ngày ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 có hiệu lực, lực lượng CSGT đã đồng loạt tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn được người dân và dư luận ủng hộ. Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông cũng giảm đi so với trước đây.
Lực lượng CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Thông tin với báo chí về việc xử phạt "ma men", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an cho biết, say 10 ngày Nghị định 100 có hiệu lực đa số người tham gia giao thông nắm được các mức xử phạt và chấp hành nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng được nhiều người ủng hộ việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi có tính chất nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, cũng vẫn có một số ít người tham gia giao thông chưa nắm được hoặc chưa đồng tình, cần tuyên truyền đi đôi với xử lý nghiêm.
Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn do tài xế uống rượu bia cũng khiến cho lực lượng CSGT gặp những khó khăn. Bởi tập quán, thói quen sinh hoạt uống rượu, bia ở Việt Nam diễn ra phổ biến trong các dịp hiếu, hỉ, lễ, Tết. Người đã uống rượu, bia thường thiếu kiểm soát, mất bình tĩnh, dễ thực hiện các hành vi chống đối, chây ì, bất hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, thuyết phục, kiên quyết yêu cầu chấp hành quy định. Nếu người vi phạm vẫn bất hợp tác, CSGT sẽ lập biên bản xử phạt ở mức cao nhất và người chứng kiến sẽ ký nhận.
Đối với những thông tin liên quan tới việc tiêu cực trong quá trình xử phạt vi phạm nồng độ cồn, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho rằng, ngay tại Chỉ thị 01 Bộ Công an và các quy định của pháp luật cũng đã minh bạch công khai hoạt động TTKS của lực lượng CSGT đặt dưới sự giám sát của người dân.
Trong tháng 12, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành quy chế yêu cầu cảnh sát thông tin đầy đủ đến người dân các tuyến đường tuần tra kiểm soát. Chúng tôi cũng có thể giám sát trực tiếp hay gián tiếp qua phương tiện thông tin đại chúng, các tài liệu ghi hình, chụp ảnh, ghi âm theo quy định. Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo công an các địa phương trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy phải có camera để vừa đảm bảo minh bạch công khai, vừa đảm bảo hành vi chống người thi hành công vụ.
"Công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ vi phạm nồng độ cồn ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn thông báo về đơn vị để xử lý kỷ luật về Đảng và chuyên môn", Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng.
Cũng theo Nghị định 100/2019 của Chính phủ thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu thi hành từ 1/1/2020 đã bổ sung quy định cho phép lực lượng chức năng dùng hình ảnh của người dân cung cấp để xử phạt vi phạm giao thông.
Cụ thể: Khoản 11 Điều 80 Nghị định 100 quy định: Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.