Hiện nay, nghề nuôi dế đang ngày càng được nhiều người lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Bởi nuôi dế đơn giản, vốn đầu tư ít, tiêu thụ dễ dàng. Dế còn có khả năng sinh sản tốt nên hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dế của bà Lả ở thị trấn Ít Ong (Mường La) cũng vậy.
Do hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi dế đang được nhân rộng ở nhiều cơ sở ở Sơn La.
Bà Lả kể rằng: Cách đây một năm, có người hàng xóm trước đây nuôi dế để ăn chơi, nhưng do bận công việc nên đang ý định bỏ đi không nuôi nữa, bảo tôi lấy về nuôi. Lúc đầu tôi lưỡng lự nhưng rồi nghĩ bụng hay là nuôi thử đằng nào cũng chẳng mất gì, nuôi thử ăn xem sao.
Về nhà hai vợ chồng bàn nhau làm lồng, quây bạt kín rồi thả dế vào nuôi. “Thời gian đầu, tôi cũng chẳng mặn mà lắm, chỉ nghĩ nuôi chơi, được thì ăn không được thì thôi. Lấy vài cái vỉ xốp, ít rơm khô đặt vào trong lồng làm nơi dế ở, ngoài vườn sẵn có rau, cỏ dại cứ thế lấy về cho dế ăn. Ấy thế mà chúng lớn nhanh như thổi, chưa đầy tháng đã phát triển thành đàn cả ngàn con, đen kín cả đáy lồng”.
Bà Lò Thị Lả nuôi dế cách đây khoảng 1 năm.
Bà Lả vui vẻ nói: Nghe tin một số bà con hàng xóm đến xin mỗi người một ít mang về ăn thử, thấy dế ăn ngon, đặc biệt là rất hợp với ăn nhậu, thế là mọi người chuyển xin sang mua. Một số nhà hàng, quán ăn biết tin cũng tìm đến mua về làm món ăn phục vụ khách. Nuôi chơi chơi lại có tiền, vợ chồng tôi làm thêm lồng nuôi. Vừa nuôi vừa học hỏi thêm kỹ thuật qua mạng internet, tivi, sách, báo… hóa ra nuôi dế không hề khó mà ai cũng có thể nuôi được.
Dế là loại côn trùng dễ nuôi, vốn đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dế, bà Lả nói rằng: Thức ăn của dế chủ yếu là rau, cỏ, củ, quả các loại sẵn có trong tự nhiên rất dễ tìm. Dế thích ăn nhất là các loại rau non và tươi. Khi cho dế ăn, rau phải được rửa sạch, chú ý không được lấy những loại rau cỏ phun thuốc bảo vệt thực vật, vì dế là loại côn trùng rất nhạy cảm với thuốc. Môi trường sống phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Cách 3 – 4 ngay quét dọn, vệ sinh lồng dế một lần, phân dế thải ra dùng bón vườn rau rất tốt.
Nuôi dế không cầu kỳ, mất nhiều thời gian, mỗi ngày bà Lả chỉ dành khoảng 30 phút để chăm sóc đàn dế, ngoài ra bà vẫn có thể làm những công việc khác. Kết thúc mỗi lứa nuôi, bà lại thay lứa mới, cứ thế xoay vòng.
Thức ăn của dế là rau, cỏ, quả các loại.
Trong quá tình nuôi phải nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của dế. Khi những con dế trưởng thành kêu rỉ rả là dấu hiệu đến kỳ dế đẻ trứng. Dùng máng hoặc chậu cát sạch trộn ít đất dày khoảng 1cm đặt vào trong lồng cho dế đẻ, cứ mỗi đêm lấy máng trứng ra một lần, đặt ở nơi có nhiệt độ ấm. Mỗi ngày phun sương từ 2 - 3 lần cho dế uống nước. Sau 10 – 15 ngày trứng nở, dế non sẽ tự bò ra, tách dế vào lồng, rồi cho rau non hoặc bột cám ngô, cám gạo, sau 30 – 40 ngày dế trưởng thành xuất bán được.
Chỉ với 5 - 6 lồng nuôi dế, mỗi tháng bà Lả lãi hơn 2 triệu đồng.
Dế là món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng, giàu dinh dưỡng, giàu đạm, canxi. Hiện mỗi kg dế có giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, mỗi tháng bà Lả bán hơn 15 - 20kg dế cho các nhà hàng, quán ăn. Công việc nhẹ nhàng mà tiền ra vào đều tay.
Do nhu cầu khách mu nhiều, dế nuôi của gia đình bà Lả luôn cháy hàng.
Những ngày cận tết, nhiều người đến đặt mua nhiều khiến dế nuôi của bà Lả luôn trong tình trạng cháy hàng, dế không kịp lớn để xuất bán. Hiệu quả bước đầu đã tiếp thêm động lực cho bà Lả mở rộng mô hình nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường cũng như phát triển kinh tế gia đình.