Dân Việt

Sơn La: "Kiện tướng" nuôi dê nhốt chuồng dịp Tết luôn "cháy hàng"

Ngọc Mai 13/01/2020 19:10 GMT+7
Khoát tay chỉ về phía ngôi nhà sàn mới dựng vẫn còn thơm nức mùi gỗ mới, anh Lò Văn Sươi, ở bản Khâu Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), bảo rằng: “Ngôi nhà mới làm được cách đây chưa đầy một tháng, mất đến vài chục triệu tiền công. Nhờ nuôi dê mà gia đình tôi mới có ngôi nhà này, vui quá thế là năm nay lại được ăn tết trong nhà mới”.

Đến xã Mường Trai (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) hỏi thăm về ai là người nuôi dê lâu nhất và nhiều nhất trong xã, người dân ai cũng hồ hởi chỉ tay về gia đình anh Sươi ở bản Khâu Ban, cách trung tâm UBND xã chừng vài trăm mét.

img

Mô hình nuôi dê của gia đình anh Lò Văn Sươi.

Anh Sươi được bà con dân bản yêu mến vì tính tình chất phác, thật thà, chăm chỉ, lại làm kinh tế giỏi. Cách đây hơn chục năm nhận thấy nuôi dê núi phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình ở địa phương, thị trường tiêu thụ dê tương đối ổn định.

Vì thế anh Sươi chọn nghề nuôi dê để phát triển kinh tế, có thời điểm gia đình anh nuôi dê không có đủ dê để bán, nhất là vào những dịp lễ, tết.  Nhờ gắn bó với nghề nuôi dê mà anh Sươi đã dựng được căn nhà sàn mới khang trang.

Dẫn chúng tôi tham quan dãy chuồng nuôi dê, anh kể: Gia đình vốn là di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơ. "Vì dòng điện ngày mai của tổ quốc” cũng như nhiều hộ gia đình khác ở Mường La, anh Sươi và gia đình đã phải rời nơi “chôn rau cắt rốn” lên vùng đất mới, nhường đất xây dựng công trình thủy điện.

img

Dê là vật nuôi rất phù hợp với địa hình vùng núi.

Tại nơi ở mới mặc dù được chính quyền và nhân dân địa phương giúp sức để sớm ổn định cuộc sống, nhưng chân tay anh đang quen làm ruộng, trồng lúa, nay chuyển lên trồng cây ngô, cây sắn trên nương còn lúng túng. Vài năm đầu trồng ngô, trồng sắn được giá cũng đủ ăn đủ tiêu.

Nhưng vài năm trở lại đây, giá ngô, sắn xuống thấp cuộc sống gặp khó khăn, tiền thu về không bù được chi phí đầu tư, người nông dân không còn mặn mà với nương rẫy nữa.

Thấy vậy, bà con dân bản chuyển nghề để kiếm kế sinh nhai. Trong vùng đám thanh niên trẻ có sức khỏe thì xuống các thành phố lớn vào các nhà máy làm thuê. Ở nhà chỉ còn lại những người già làm việc lặt vặt, nuôi gà, nuôi vịt. Nghĩ khác họ nên anh Sươi chẳng đi đâu xa, ở nhà đầu tư chăn nuôi dê phát triển kinh tế.

img

Nuôi dê nhốt chuồng đang là hướng đi bền vững.

Bằng số vốn tích góp và vay mượn thêm của bà con hàng xóm, anh đầu tư mua dê núi sinh sản về nuôi. Mới đầu chỉ nuôi vài con, rồi thấy hiệu quả, anh tăng dần số lượng đàn dê lên. Hiện nay, đàn dê của anh Sươi lúc nào cũng duy trì trên 20 con, hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với làm nương rẫy.

“Nnuôi dê không mất chi phí thức ăn, chỉ bỏ công lao động là có lãi. Trung bình mỗi năm, 1 con dê có thể sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa 1 – 2 con, thậm chí có lứa 3 – 4 con”, anh Sươi nói về kỹ thuật nuôi dê.

Tuy nhiên, những năm gần đây do bà con mở rộng diện tích đất canh tác, dẫn đến diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Vì chăn thả dê thường phá hoại cây trồng, hoa màu. Hơn nữa, tình trạng bà con lạm dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác nương rẫy, khiến việc nuôi dê của anh Sươi gặp không ít khó khăn. Tuy dê là loài ăn tạp nhưng lại rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật, nếu dê ăn phải cỏ nhiễm độc, nhẹ thì sinh bệnh rồi còi cọc, ốm yếu, nặng thì chết.

img

Nhờ nuôi đúng kỹ thuật đàn dê của anh Sươi luôn khỏe mạnh, ít bệnh.

Anh Sươi kể: Có những con dê cái đến kỳ đẻ, thả lên đồi ăn phải cỏ nhiễm độc, bị sảy mất dê non. Thấy thế là anh Sươi chuyển sang hướng làm chuồng nuôi nhốt. Để đảm bảo thức ăn cho dê, xung quanh vườn và trên những mảnh nương bỏ hoang anh trồng cỏ, cây chuối. Nhờ kiên trì mấy chục năm qua, vượt qua mọi khó khăn, tìm đủ mọi cách để giúp đàn dê phát triển.

“Dê là loại động vật ăn cao, ngủ kỹ nên khi làm chuồng phải chú ý làm nơi cao ráo, thông thoáng. Để đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho ăn để tránh đau bụng cho đàn dê. Sức đề kháng của dê tương đối cao, người nuôi chỉ cần định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi. Cần chủ động tiêm phòng trước thời điểm chuyển mùa…”, anh Sươi chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dê.

img

Nhờ nuôi dê, mới đây anh Sươi cất được ngôi nhà để đón tết.

Đến nay, anh Sươi đã thành công với mô hình nuôi dê. Năm nào cũng vậy, vào dịp cận tết, gia đình anh lại xuất bán vài con dê, thu về cả chục triệu đồng. Không như trước phải lo từng đồng mỗi khi năm hết tết đến.