Thiếu lao động tay nghề cao
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ chính là nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác do làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm nhà máy chế biến gỗ của Tập đoàn AA tại Long An. Ảnh: K.N
Vào tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì một hội nghị rất lớn để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp ngành gỗ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá hội nghị này chính là cơ hội để tháo gỡ những nút thắt của ngành chế biến gỗ, qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời gian tới. |
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số doanh nghiệp FDI ngành gỗ đăng ký mới trong 9 tháng năm 2019 là 67, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành năm 2018.
40% doanh nghiệp FDI khó tuyển lao động có kỹ năng dẫn đến cạnh tranh giữa các ngành. Giá nhân công tại các khu công nghiệp hiện tăng từ 10-20%. Lương lao động gia nhập thị trường mỗi năm có xu hướng chuyển dịch ngày càng tăng nhanh.
Ngoài ra, chỉ số tăng trưởng ngành gỗ Việt Nam đã tăng 18%, đòi hỏi lượng lao động tỷ lệ thuận để duy trì tốc độ này. Tuy nhiên, lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất…
Điều đáng lo ngại là, trong tổng số 500.000 lao động đang làm việc tại 5.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, chỉ có 2 - 3% lao động có trình độ đại học, khoảng 25% là công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông.
“Nhu cầu chất lượng lao động được dự báo đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học, trên đại học và 266.860 công nhân kỹ thuật; đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học và trên đại học cùng 445.200 công nhân kỹ thuật”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết.
Thách thức thứ hai là giá đất khá cao, việc đầu tư mở rộng quỹ đất cho sản xuất ngày càng khó. Theo đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm nảy sinh nhu cầu dịch chuyển sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là địa điểm hấp dẫn. Ngoài ra, tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp trong nước ngày càng cao.
Cụ thể, tại những địa phương ngành chế biến gỗ đang phát triển như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, mức giá cho thuê xưởng xây sẵn giao động 2,5-5,5 USD/m2/ tháng với mức thuê tối thiểu 3-5 năm. Thậm chí, tại các khu vực truyền thống như Bình Dương, Đồng Nai, tỷ lệ lấp đầy và nhanh tại các khu công nghiệp đã đẩy giá thuê đất từ 80 USD cách đây hai năm lên 135-150USD/chu kỳ thuê.
Thách thức thứ ba chính là áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số. Nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng. Để đảm bảo cho sự phát triển vững bền của ngành hàng, về trung hạn, toàn ngành xác định mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất - thiết kế - thương mại đến thương hiệu.
Tổng cục Lâm nghiệp phân tích: Năm 2019, tổng giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt 450 tỷ USD, nhưng trong đó lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 140 tỷ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực sáng tạo - thương mại - thương hiệu.
Quy hoạch nguồn nhân lực
Trước những thách thức này, theo ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ngành xác định sẽ xây dựng chiến lược quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành; quy hoạch vùng sản xuất tập trung; quy hoạch rừng gỗ lớn, tăng chất lượng giống, xây dựng thương hiệu cây gỗ tràm bông vàng, đầu tư thiết kế sản phẩm từ gỗ rừng trồng bản địa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cổ động, tạo môi trường cho doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ,... Về trung hạn, mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất - thiết kế - thương mại đến thương hiệu.
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến xuất khẩu gỗ mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá ngành chế biến gỗ là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất và độ nhạy bén nắm bắt thị trường rất tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu m2 sản phẩm thiết kế hạ tầng khách sạn từ 3 đến 5 sao. Trong các thiết kế đó, sản phẩm gỗ và đồ gỗ chiếm tỷ lệ tới 20-30%. Cùng với đó là tốc độ phát triển của thị trường thế giới mở ra cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ. Trong khi lượng gỗ nguyên liệu của Việt Nam đạt tới 30 triệu m3/năm (tính cả gỗ phân tán và gỗ cao su).
“Các yếu tố này cùng với sự quan tâm của Chính phủ trong chiến lược phát triển ngành gỗ và đồ gỗ mở ra cơ hội rất lớn để đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025” - ông Cường khẳng định.