Mùa sương tuy không kéo dài nhưng trong những ngày sương mù xuất hiện rất nhiều luồng hải sản có giá trị.
Ngư trường mùa sương không sôi động như những ngày hè nhưng tàu thuyền vẫn khá tấp nập. Trong tiết khí ấy, ngư dân phải nắm rõ thời tiết để quyết định ra khơi hay vào lộng.
Ngư dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đánh bắt mẻ cá đốm.
Ông Phạm Tiến Cảnh (65 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián, Nghi Xuân) cho biết: “Vào mùa này, thời tiết thất thường có khi sớm đang nắng, thuyền ra khơi, nhưng khoảng 3 giờ chiều, sương mù bỗng ở đâu ùn ùn kéo tới, chỉ một chốc cùng ngồi trên một con thuyền mà không nhìn rõ mặt nhau. Thậm chí, có những ngày không chỉ sương mù mà còn kèm theo gió to, sóng lớn khiến cho công việc đánh bắt trở nên khó khăn hơn bội phần”.
“Vào mùa này, có lúc buổi sáng đang nắng nhưng khoảng 3h chiều, sương kéo về dày đặc, ngồi cùng một thuyền có khi không nhìn rõ mặt nhau”.
Theo cha vào nghề từ năm 13 tuổi, đến nay, ông Cảnh đã có thâm niên hơn 50 năm đi biển. Biển cả với ông không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là nơi ông gieo gửi tình yêu quê hương, đất nước của mình. Bởi thế, khi cuộc sống thay đổi, hầu hết các phường bạn cùng lứa tuổi đã bỏ nghề đi biển thì ông vẫn đều đặn mỗi sáng sớm dong thuyền ra khơi.
Đặc biệt, với ông Cảnh, đi biển mùa sương còn là một niềm thích thú. Sương mù tuy khó đi, hải sản không đa dạng nhưng lại được những loài hải sản ngon.
Đối với nhiều ngư dân, đi biển mùa sương không chỉ là công việc mưu sinh mà hơn thế là tình yêu dành cho biển. Trong ảnh: Ông Phạm Tiến Cảnh 65 tuổi, ở thôn Đại Đồng (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Chẳng riêng gì ông Cảnh, với hầu hết ngư dân, đi biển mùa sương còn như là một thử thách về độ kiên nhẫn, về kinh nghiệm đánh bắt.
Ông Nguyễn Văn Hóa (82 tuổi, thôn Hồng Phong, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Nếu sóng to thì đánh bắt cua ghẹ sẽ thắng; nếu trời yên biển lặng, nắng hửng thì đi te (vớt tép biển) sẽ được nhiều… Đặc biệt, mùa sương, chúng tôi còn đánh bắt được rất nhiều cá cháo - đặc sản rất được yêu thích hiện nay”.
Tôm he là thứ “đặc sản” được đánh bắt nhiều vào mùa sương ở biển Hà Tĩnh.
Những ngày trong tiết khí sương giáng này, ngư dân Hà Tĩnh đánh bắt được rất nhiều tôm he. Đây là một trong những hải sản mà vùng biển Hà Tĩnh được ưu ái bởi các chủ thuyền chẳng cần đi quá xa cũng đã có thể gặp luồng tôm rồi. Nếu may mắn, mỗi sáng dong thuyền có thể đánh bắt được 5 - 30 kg.
Theo các ngư dân thì mỗi ký tôm he hiện nay dao động từ 100.000- 250.000 đồng tùy kích cỡ. Đặc biệt, mùa sương cũng báo hiệu vào mùa đánh bắt cá trích. Năm ngoái, không ít thuyền đã kéo được những mẻ cá trích lên đến vài tấn.
Những ngư dân khắp các miền biển Hà Tĩnh hiện cũng đã sẵn sàng ngư cụ để ra khơi đón luồng cá về.
Mùa sương, có nhiều loại hải sản được chế biến với nhiều cách thức rất ngon. Nhưng đối với ngư dân thì hải sản nấu xổi ngay tại bến như thế này...
Những hải sản đánh bắt được trong mùa sương không chỉ làm giàu cho ngư dân mà còn làm phong phú thêm đời sống ẩm thực của người dân Hà Tĩnh. Chẳng gì thú vị bằng, trong những ngày sương giăng se se lạnh, được thưởng thức bát canh cá cháo tươi ngon.
Bà Nguyễn Thị Quý (83 tuổi, ở làng chài Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Cá cháo từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc của gia đình, thôn xóm tôi. Người ta có thể ăn cá cháo hàng ngày không chán. Ngoài cách chế biến cùng rau cải, hành tăm và ớt bột, nhiều người còn biến tấu thành món lẩu cá cháo, cá cháo chiên bột… Món nào cũng ngon và đậm đà hương vị biển cả”.
...và quây quần với bạn thuyền cùng ăn lúc vừa chín tới để giữ được hương vị trọn vẹn nhất.
Cùng với cá cháo, nhiều thực khách cũng trông đợi nhiều món ăn được chế biến từ cá trích. Những con cá trích tươi xanh sẽ trở thành món gỏi, món cá trích nướng, cá trích chiên giòn trên những mâm cỗ giản dị.
Đặc biệt, người miền biển còn có cách nấu xổi, tuy mộc mạc nhưng lại giữ được hương vị trọn vẹn của cá. Đó cũng là cách mà những ngư dân thường nấu lúc đang lênh đênh trên biển.