Dân Việt

Ninh Bình: TAND huyện Kim Sơn thụ lý vụ án dân sự thiếu cơ sở?

Hải Đăng 15/01/2020 14:33 GMT+7
Dù nguyên đơn không có giấy tờ chứng minh liên quan đến mảnh đất đang có tranh chấp nhưng TAND huyện Kim Sơn vẫn thụ lý vụ án dân sự, thậm chí thụ lý bổ sung yêu cầu đòi hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cơ quan chức năng cấp đúng pháp luật.

Vừa qua Báo Dân Việt nhận được đơn của ông Phạm Văn Tiếu (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), phản ánh việc Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn thụ lý vụ án dân sự có dấu hiệu trái pháp luật.

img

Lối ngỗ vào hợp pháp thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Tiếu (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Không có đất vẫn đòi đường đi

Ông Phạm Văn Tiếu cho biết, cạnh gia đình ông có một từ đường họ nằm trên mảnh đất của ông Phạm Văn Chiêu. Sau khi ông Chiêu mất, mảnh đất này được chia cho hai người con của ông Chiêu là ông Phạm Văn Chấn và Phạm Văn Chuốt. "Năm 2009, họ Phạm ngành II xây lại từ đường và có mẫu thuẫn với các con của ông Chiêu nên sang nhà tôi xin đi nhờ và được gia đình tôi đồng ý. Thế nhưng, đến năm 2016 họ đã làm đơn kiện đòi ngõ đi chung, trong khi lối đi này rõ ràng nằm trên mảnh đất gia đình tôi đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" - ông Tiếu cho biết. 

Trong thời gian đó, một số người trong họ Phạm ngành II liên tục đến quấy rối, sự việc lên tới đỉnh điểm khi ngày 16/9/2017, hàng chục người trong dòng họ Phạm cầm dao, xà beng, gạch... vào nhà ông Tiếu đánh người gây thương tích và hủy hoại tài sản.

Để giải quyết vụ việc, UBND huyện Kim Sơn đã ban hành văn bản số 1744/UBND ngày 20/10/2017 xác định nguồn gốc đất đặt từ đường cũng như nguồn gốc đất lối đi chung được một số người họ Phạm ngành II đang khiếu kiện. 

Theo xác định của UBND huyện Kim Sơn, ông Phạm Văn Chiêu và vợ là bà Trần Thị Chắt là chủ sử dụng của thửa đất số 33, tờ bản đồ số 14 (trên thửa đất này có một ngôi nhà thờ mà Ngành 2 họ Phạm cho rằng đây là nhà thờ tổ của họ). Thửa đất này đã được UBND huyện Kim Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1995.

Sau khi ông Phạm Văn Chiêu và vợ là bà Trần Thị Chắt mất, ngày 21/10/2009 các con ông Chiêu đã họp gia đình để phân chia mảnh đất của ông Chiêu cho 2 người con là ông Phạm Văn Chấn và Phạm Văn Chuốt. Vì vậy mảnh nêu trên giờ thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng của ông Chấn và ông Chuốt, cả hai thửa đất này đều có lối đi vào bình thường.

Theo tài liệu, một số người họ Phạm ngành II không xuất trình được bất cứ tài liệu nào chứng minh nhà thờ nằm trên thửa đất nêu trên thuộc sở hữu của ngành 2 họ Phạm. Do đó, văn bản của UBND huyện Kim Sơn đã xác định: Việc các con cháu trong họ Phạm Nghành II có ý kiến tranh chấp đất làm ngõ đi thuộc diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phạm Văn Tiếu là không có cơ sở.

Xác định không đúng nguyên đơn?

Đến ngày 15/4/2019 ông Phạm Văn Nghị (người tự cho là đại diện họ Phạm ngành II) có Đơn khởi kiện gửi TAND huyện Kim Sơn. Theo đơn, ông Nghị cho rằng ngành 2 họ Phạm có ngôi nhà thờ tổ 200 năm tuổi tại Xóm 3, xã Đồng Hướng, tiếp giáp với thửa đất số 32, tờ bản đồ số 14 (thuộc quyền sử dụng của ông Phạm Văn Tiếu và bà Nguyễn Thị Nhiên) không có lối đi vào nên yêu cầu tòa án buộc vợ chồng ông Tiếu phải cho ngành 2 họ Phạm mở lối đi qua khu đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình nhà ông Tiếu.

Ngày 27/5/2019, Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn ra Thông báo về việc Thụ lý vụ án số 11/TB-TLVA đối với yêu cầu khởi kiện nêu trên của ông Phạm Văn Nghị.

Ngày 12/8/2019, Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn có Thông báo thụ lý bổ sung yêu cầu khởi kiện số 01/TB-TL, yêu cầu hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 58,72m2 đất thuộc ngõ đi chung là lối đi vào nhà thờ tổ ngành 2 họ Phạm mà UBND huyện Kim Sơn cấp năm 1995 cho vợ chồng ông Tiếu, bà Nhiên. Đến ngày 27/11/2019, Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn có Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2019/QĐXXST-DS vào ngày 16/1/2020.

Trao đổi với PV, luật sư Lê Hồng Huấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng việc thụ lý và đưa vụ án ra xét xử của TAND huyện Kim Sơn có dấu hiệu vi phạm. 

Thứ nhất, những người ở họ Phạm ngành II không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng với ngôi nhà thờ ở xóm 3 như vậy họ không phải chủ thể có quyền khởi kiện. Căn cứ vào đâu TAND huyện Kim Sơn thụ lý vụ án? 

Thứ hai, Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn không có căn cứ xác định ngành 2 họ Phạm là những ai, nhưng vẫn xác định là nguyên đơn khởi kiện. "Theo đơn khởi kiện của ông Nghị có Biên bản họp ngành 2 họ Phạm xã Đồng Hướng và có cử ông Phạm Văn Nghị thay mặt đại diện để khởi kiện, nhưng Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn có xét xem Biên bản họp đó có phù hợp theo quy định pháp luật hay không? Căn cứ vào Điều 186 và Điều 187 BLTTDS 215, tôi cho rằng không có căn cứ để xác định Ngành 2 họ Phạm xã Đồng Hướng là nguyên đơn khởi kiện." - luật sư Huấn cho hay. 

Thứ ba, mảnh đất có nhà thờ nêu trên giờ thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng của ông Chấn và ông Chuốt, cả hai thửa đất này đều có lối đi vào bình thường. Vậy tại sao TAND huyện Kim Sơn lại tước đi quyền sở hữu, sử dụng của ông Chấn và ông Chuốt liên quan đến tài sản trên đất của họ? Các thửa đất được đều có lối đi tại sao tòa án xác định không có lối vào nhà thờ?

Thứ tư, việc TAND huyện Kim Sơn thụ lý yêu cầu bổ sung đòi hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình nhà ông Phạm Văn Tiếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật của tòa án. "Căn cứ vào đâu để tòa án thụ lý yêu cầu này? Căn cứ quy định nào xác định một phần giấy chứng nhận là đối tượng có thể khởi kiện để hủy? Có quy định cho hủy một phần Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sao? Yêu cầu vô lý như vậy mà Tòa vẫn thụ lý" - luật sư Huấn đặt câu hỏi.

img

Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình)

Sai thì xin lỗi?!

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thế Anh – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn cho biết: "Chúng tôi nhận được đơn có giấy ủy quyền của dòng họ với xác nhận của UBND xã Đồng Hướng, có 12 người ủy quyền cho ông Nghị đi khởi kiện để xác định phần đất lối đi vào từ đường. Họ xuất trình được biên bản hòa giải dưới xã theo quy định”. 

Chúng tôi không thể xác định được đại diện theo ủy quyền vì không biết dòng họ ngành II có bao nhiêu người, chỉ biết là có ủy quyền của 12 người cho ông Nghị nên thụ lý giải quyết bình thường. Trong quá trình làm thụ lý xong cũng không có ý kiến gì, vì theo quy định sau khi thụ lý 15 ngày phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc là khiếu nại về vấn đề thụ lý, thế nhưng quá 2 tháng người dân mới có ý kiến”.

img

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Phạm Văn Tiếu (xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) do UBND huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cấp năm 1995.

Ông Thế Anh cũng xác nhận ngày 27/11/2019 đã quyết định đưa vụ án ra xét xử, sau đó Phạm Văn Tiếu khiếu nại TAND huyện đã trả lời. Hiện ông Tiếu khiếu nại lên TAND tỉnh và TAND huyện Kim Sơn đang chờ TAND tỉnh Ninh Bình trả lời.  

"Nếu TAND tỉnh bảo chúng tôi thụ lý sai cũng thoải mái mà, mình làm nhiều sai nhiều, sai thì mình xin lỗi, sai thì mình đình chỉ giải quyết, cần gì sẽ khắc phục theo quy định về bồi thường Nhà nước để xử lý” - ông Thế Anh nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tiếu cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, ông không đồng ý với việc thụ lý và giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn nên đã khiếu nại TAND huyện Kim Sơn và nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-GQKN ngày 2/10/2019 của TAND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Ông Tiếu không đồng ý với những nội dung TAND huyện Kim Sơn đưa ra, nên đã  khiếu nại lần 2 đến TAND tỉnh Ninh Bình. Thế nhưng đến nay, sau hơn 2 tháng ông vẫn chưa nhận được trả lời khiếu nại lần 2 của TAND tỉnh Ninh Bình.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc. 

Ban Bạn đọc - Báo Điện tử Dân Việt tiếp nhận bài viết cộng tác, phản ánh, thông tin của quý độc giả qua số điện thoại Đường dây nóng 098.552.3229, email: bandocdanviet2010@gmail.com.