Rau gì một ký bán giá 200.000 đồng!
Chúng tôi đến thăm vườn măng tây của ông Đặng Văn Chanh (khối 9, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vào một chiều cuối năm, ông Chanh đang lom khom bên những luống măng xanh tốt.
Ông cho biết thời gian thu hoạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm để cây măng “non và cho màu sắc đẹp”, nhưng vì bận tiếp đón hai đoàn khách ở Gia Lai đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên hôm nay ông chuyển qua hái buổi chiều.
Những búp măng tây xanh dài, mẩy, sáng màu luôn bán được giá cao
Hai tay thoăn thoắt bẻ măng tây cho kịp trước khi trời tối, ông Chanh vừa kể lại câu chuyện nhổ cà phê trồng măng tây của mình.
Vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1994, ông thuê được 4 sào đất để trồng cà phê, nuôi lợn và làm thêm nghề đậu phụ cho vợ đi chợ bán. Diện tích trồng cà phê không nhiều, lại rơi vào cảnh tuột giá, ông đành bấm bụng chặt bỏ để tìm hướng canh tác khác. “Nhổ cà phê, tôi cũng trồng thử nhiều cây ngắn ngày như bí đỏ, đậu lạc… nhưng không ăn thua” – ông Chanh tâm sự.
Ông Chanh thu hoạch măng tây giống Mỹ tại vườn
Vào một lần nhận khoán công trình xây dựng ở tỉnh Đắk Nông, lần đầu tiên ông Chanh biết đến cây măng tây. “Thấy ở chợ, tôi không biết đó là hoa của cây gì, hay rau gì mà lạ quá, giá bán lại tới hơn 200.000/ký. Khi hỏi ra mới biết đó là măng tây. Sở dĩ giá bán măng tây đắt hơn cả thịt bò là bởi nó mang nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe” – ông kể lại.
Thời điểm đó, loại cây này còn khá xa lạ ở Tây Nguyên nên ông Chanh phải tự mình tìm hiểu, đi học hỏi thực tế ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.
Trở về Buôn Ma Thuột và trồng những cây măng tây đầu tiên, ông tận dụng được nguồn phân chuồng từ đàn lợn nuôi trên tấm đệm sinh học để ủ bón cho cây. Đất núi phì nhiêu nhưng thiếu độ thoáng cho rễ, ông Chanh đem cát trộn thêm vào và đánh thành luống cao để tránh ngập úng khi mưa kéo dài. Mặt khác, búp măng mọc trên đất pha cát sẽ dễ bẻ và không bị dính đất đỏ ba zan trên thân.
Măng tây được phân thành 3 loại
Ba tháng sau, 3 sào măng tây Mỹ của gia đình ông Chanh bắt đầu cho thu bói. Nhưng khốn khổ, công ty cung cấp giống từng hứa hẹn sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và tìm đầu ra giúp ông nay đã bặt vô âm tín. Không đành nhìn tâm huyết của mình đổ sông đổ bể, ông lại lái xe đi chào hàng ở khắp các chợ, siêu thị, nhà hàng ở Đắk Lắk. 10 ngày ròng rã, từng ký măng tây vơi đi, ông Chanh dần tìm được đầu ra ổn định. Sự kiên trì, xông xáo những năm tháng đầu làm quen với thứ "rau vua" của lão nông hiền lành đã được trả công xứng đáng khi hiện nay, măng tây của ông đã đến được tận thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Trồng một lần, thu hoạch 7 - 8 năm
Ông Chanh cho biết măng tây cho thu liên lục trong 4 tháng, sau đó vườn cần nghỉ 1 tháng để cắt bỏ cây già cỗi, nuôi lại thân mẹ mới. Tuy mầm làm rau cao cấp, nhưng đây là giống cây dài ngày, trồng một lần cho thu đến 7 - 8 năm. Vốn đầu tư ban đầu ông Chanh bỏ ra cho mỗi sào trồng măng tây là 30 triệu đồng.
Ông Chanh cho biết vào mùa khô măng tây cho năng suất cao gấp 3 lần
Măng tây hái xong được đem về phân thành 3 loại. Hàng loại 1 có giá 70.000 đồng/kg, búp măng phải mẩy, cao khoảng 30 - 35cm, đường kính từ 0,7cm trở lên, màu sắc sáng. Các búp nhỏ hơn thuộc loại 2,3 lần lượt thấp hơn 5 ngàn đồng, 10 ngàn đồng so với loại 1. Theo ông Chanh, dù vào mùa Tết giá không tăng nhiều nhưng đây là loại rau cao cấp có giá bán cao và ổn định.
Loại măng tây trồng trên đất Tây Nguyên cho năng suất cao gấp 3 lần vào mùa khô, đặc biệt là giai đoạn cận Tết. Bước vào mùa mưa, trời ẩm, thiếu nắng, cây hay bị nấm bệnh, úng nước nên cần theo dõi kỹ hơn để phòng chống.
Măng tây được bảo quản lạnh trước khi đưa lên xe chở về tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.
Năm qua, gia đình ông Chanh vừa trồng thêm 5 sào măng tây cao sản. Việc làm không xuể, ông phải thuê thêm hai nhân công chăm sóc măng tây. Thời gian này cây măng tây bắt đầu được thu bói, mỗi ngày cho 15 ký các loại, ước tính khi ổn định sẽ cho thu đến 60 kg/5 sào. Lúc đó dự kiến mỗi ngày bán khoảng 80kg, thu về hơn 5 triệu đồng. Ông Chanh đang xây dựng mô hình trồng măng tây chuẩn VietGAP và nghiên cứu nuôi thêm con dúi để tận dụng nguồn thức ăn từ cây măng già và phần gốc bỏ đi.
Ông cho biết, sau ngày 20 tháng Chạp đến tết Nguyên đán, nhu cầu măng tây của thị trường sẽ tăng mạnh. Nhu cầu măng tây ở mức cao còn kéo dài đến hết rằm tháng Giêng bởi đây là thời điểm người tiêu dùng sử dụng nhiều loại rau cao cấp này...