Năm nay các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước phục vụ sản xuất gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hiện ở mức trữ thấp. Lượng nước các hồ chỉ đạt 60% dung tích thiết kế, tương đương 9,8 tỷ m3 nước, thiếu hụt khoảng 7,0 tỷ m3 so với vụ Đông Xuân 2018-2019 và thiếu hụt từ 15-45% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, hồ thủy điện Hòa Bình có lượng trữ thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đi vào vận hành khai thác, chỉ đạt 56%.
Trong khi đó, tình trạng mực nước hệ thống sông Hồng bị hạ thấp đã diễn ra từ một số năm gần đây và hiện tại vẫn đang tiếp diễn với tốc độ rất nhanh, mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất phát điện vẫn không thể dâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 2,2m như yêu cầu.
Hệ lụy, một loạt các trạm bơm và công trình thủy lợi không lấy được nước hoặc hiệu suất lấy nước thấp như: trạm bơm: Đại Định, Bạch Hạc, Liễu Trì, Phù Sa, Thanh Điềm, Ấp Bắc; các cống Liên Mạc, Long Tửu, Xuân Quan.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo đảm bảo đủ nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân. Ảnh: ML
Trao đổi với PV Dân việt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ 30 năm mới có đợt thiếu nước như năm nay là rất hiếm. Nguyên nhân là do khu vực này mưa rất ít và nước từ thượng nguồn phía Trung Quốc về ít.
Cùng với đó, Thứ trưởng đánh giá: Từ khi chúng ta có hệ thống thủy điện phù sa về giảm nhiều. Trước đây lượng phù sa về sông Hồng bình quân 65 triệu m3/năm thì đến thời điểm hiện nay chỉ có 7 triệu m3/năm. Trong khi chúng ta khai thác cát, tất cả các giấy phép đã là 30 triệu m3/năm.
“Với lượng về 7 triệu m3/năm, khai thác 30 triệu m3/năm - đấy là có phép, còn không phép thì không biết bao nhiêu, nên một năm đáy sông Hồng tụt xuống 2cm. Ở sông Đuống có những chỗ bây giờ đã tụt xuống 15m. Như vậy nước xả bao nhiêu xuống nhưng do đáy sông tụt thấp khiến mực nước không dâng lên được”.
Theo Thứ trưởng Hiệp, cách đây 10 năm, thủy điện Hòa Bình chỉ xả 300m3/s thì mực nước ở Hà Nội là 2,2m. Đến nay xả 1.500 m3/s thì mực nước ở Hà Nội chỉ được 1,8m. Thực tế, tổng số giờ mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt từ 2,2 m trở lên năm 2019 đạt 13,7% (năm 2018 đạt 30%, năm 2017 đạt 67%). Dự kiến, năm 2020 mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội sẽ không dâng đạt 2,2m.
“Vì các lý do trên, nguồn nước cung cấp phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và thời gian tới ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – Bộ NN&PTNT nhận định. Đến nay, nhiều địa phương đã bỏ ra hàng trăm tỷ để đầu tư mới, nâng cấp hoặc xây dựng các trạm bơm dã chiến.
Trong khi đó, hàng năm tổng số tiền chi cho công tác chống hạn, lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy vụ đông xuân tiêu tốn ngót nghét 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này năm nay Bộ Tài chính đang yêu cầu làm rõ nội dung các khoản mục chi. Hiện nay, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ đang bàn thảo, thống nhất và dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào nội dung Nghị quyết trong phiên họp Chính phủ cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu Tổng cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương tham mưu điều hành chặt chẽ, linh hoạt các đợt lấy nước trên nguyên tắc tiết kiệm nước nhưng phải đảm bảo cấp đủ nước phục vụ gieo cấy.
Bộ NN&PTNT bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy. Ảnh ML
Theo kế hoạch, có 3 đợt với 18 ngày (Đợt 1 từ 20/1-23/1, Đợt 2 từ 5/2-12/2, Đợt 3 từ 19/2-24/2). Theo đó, dự kiến lần đầu tiên mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì ở mức cao nhất 2,0m (Đợt 2), thấp nhất là 1,4m (Đợt 3) và Đợt 1 chỉ xả ở mức 1,6m trở lên. “Lịch lấy nước có thể được điều chỉnh linh hoạt tùy thuộc tình hình thực tế, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.
“Sau 3 đợt xả nước đổ ải như yêu cầu của Bộ NNPTNT, chúng ta chỉ còn cỡ 10% dung tích hữu ích ở trong 3 hồ thủy điện” - ông Ngô Xuân Hải - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết. Đáng chú ý, mực nước tại hồ thủy điện Hòa Bình giảm từ 101,6m về 83,17m, cách mực nước chết 3,17m, dung tích còn lại 342 triệu m3, tương đương 5,7% dung tích hữu ích. |
Bộ trưởng yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng các giống lúa ngắn ngày, phù hợp với điều kiện nguồn nước và hướng dẫn cụ thể kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước. Gieo cấy lúa Đông Xuân tập trung, chủ yếu là Xuân muộn và áp dụng phương thức cấy, hạn chế gieo sạ để giảm áp lực cấp nước, đồng thời giảm việc sử dụng thuốc trừ cỏ.
Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cần rà soát, tổng hợp yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với tình trạng thiếu hụt nguồn nước, hướng dẫn lựa chọn loại cây trồng chuyển đổi đạt hiệu quả cao về kinh tế.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là vụ sản xuất chính, có năng suất, sản lượng cao, có ý nghĩa quan trọng cho việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt cho tiêu dùng tại chỗ ở khu vực nông thôn và đô thị lân cận.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, 11 tỉnh, thành phố trong khu vực thực hiện gieo cấy khoảng 528.700 ha lúa; trong đó, có gần 431.000 ha (khoảng 81%) phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện.
Không thể trông chờ vào nguồn nước thủy điện Bây giờ thủy điện xả hết thì mức nước càng ngày càng tụt xuống, như vậy cần phải có các giải pháp. Trong rất nhiều các nghiên cứu, chúng tôi đang thiên về hướng nghiên cứu làm thế nào để dâng nước sông Hồng lên. Nếu dâng nước sông Hồng - giải pháp công trình các nước làm nhiều rồi là đập dâng ở giữa sông. Làm đập dâng thì đương nhiên sẽ tác động môi trường và cái này phải đánh giá rất kỹ nhưng nó sẽ dâng nước lên rất tốt và không cần phải xả nước. Quan trọng hơn nếu nước sông Hồng dâng lên được lúc nào cũng ở mức 2,2m thì sông Đáy, sông Nhuệ, thậm chí một phần sông Tô Lịch sẽ được trở lại xanh như ngày xưa. Như vậy, sẽ giải quyết được vấn đề môi trường cho thủ đô Hà Nội. Giải pháp công trình thứ hai là làm các đập ở đáy sông, nước sẽ dâng lên rất tự nhiên, dòng chảy thì bình thường. Đây là những giải pháp chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ trao đổi lại với Hà Nội và các cơ quan có liên quan để chúng ta sớm có giải pháp công trình. Như thế thì mới đảm bảo được. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp |