Vào Hội quán hỗ trợ lẫn nhau
Phú Thành Hội quán có 32 thành viên là những người chung một nghề nuôi lươn và bầu ra Ban chủ nhiệm gồm 7 thành viên do ông Võ Văn Lớn làm Chủ nhiệm. Hội quán là nơi trao trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau kỹ thuật nuôi lươn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và họp bàn kế hoạch sản xuất lươn giống, liên kết tìm đầu ra cho lươn thịt thương phẩm. Phú Thành Hội quán còn là nơi nhân giống lúa, giống cá để cung cấp cho các hộ nuôi, trồng trên địa bàn xã…
Nông dân Phú Thành Hội quán chăm sóc lươn tại bề nuôi. Ảnh: Trọng Trung
Khi được vận động vào Hội quán, đa số người nuôi và chế biến, kinh doanh thủy sản, nhất là nuôi lươn ở xã Phú Thành A đều đồng thuận cao. Anh Lâm Thanh Cường ở ấp Phú Điền nuôi 20.000 con lươn trong 30 hồ xi măng và bồn lót bạt, bình quân mỗi năm thu lãi 250 triệu đồng. Anh Cường đã có nhiều năm trong nghề nuôi lươn, cho biết: “Chưa năm nào giá lươn thịt thương phẩm tăng cao như năm nay. Tiếc rằng, thời điểm hiện tại, tôi không có lươn để bán, khoảng 2 tháng nữa, đàn lươn nuôi của tôi mới cho thu hoạch. Nếu giá bán ổn định như hiện nay, tôi có lãi rất cao...".
"Tôi nghĩ, cái khó nhất là chọn nguồn lươn giống tốt, kế đến là chi phí đầu tư nuôi cao và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm... Sau thu hoạch còn phải tìm thương lái để bán mà có khi còn bị ép giá nữa… Hội quán bàn bạc, thảo luận có thể giúp giải quyết khó khăn…”, anh Cường bày tỏ.
Còn ông Phan Văn Luống (cũng ở ấp Phú Điền) mỗi năm nuôi hơn 4.000 con lươn trong 14 bồn. Sau khoảng 10 - 12 tháng chăm sóc, hằng năm ông thu hoạch và đạt lợi nhuận từ 80 triệu đến trên 120 triệu đồng. Theo ông Luống, cái khó nhất trong nghề nuôi lươn là phải tìm được giống lươn tốt, khỏe, mạnh…Trước đây, vào mùa nước nổi, nguồn lươn giống thiên nhiên dồi dào, giá rẻ.
"Nhưng, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước lũ về trễ và thấp nên nguồn lươn giống cạn kiệt, người nuôi phải mua lươn giống trôi nổi, giá cao, nuôi bị hao hụt nhiều. Khi được vận động vào Hội quán, tôi gật đầu cái rụp. Bởi, vào Hội quán là để bà con nuôi lươn chúng tôi cùng ngồi lại để tháo gỡ khó khăn trên”, ông Luống bộc bạch.
Thuận lợi cho nông dân
Ông Võ Văn Lớn (ở ấp Phú Điền) có hơn 10 năm trong nghề nuôi lươn. Trước đây, ông Lớn chỉ có 10 cái bồn, mỗi năm nuôi hơn 5.000 con lươn giống. Từ năm 2017, được Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân cho vay 30 triệu đồng, ông Lớn mở rộng nuôi lươn lên 45 bồn, mỗi bồn rộng từ 9 - 12m2. Hằng năm, ông thả nuôi 20.000 con lươn giống. Trong 2 năm 2017 và 2018, ông Lớn thu hoạch được từ 4,5 - 5 tấn lươn thịt, bán giá bình quân từ 200.000 - 235.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Lớn còn lãi từ 300 - 350 triệu đồng/năm.
Với nguồn lãi có được mỗi năm, gia đình ông Lớn đã dành dụm xây dựng được căn nhà tường rộng 132m2, trị giá cả tỷ đồng. Ông cũng mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt và sản xuất đắt tiền. Ông Lớn vừa được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Phú Thành Hội quán.
Ông Lớn chia sẻ: “Vào Hội quán để được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quy trình nuôi thủy sản - nhất là nuôi lươn; tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, chọn con giống đạt chất lượng; hướng dẫn xử lý nước, sử dụng thuốc và các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản; thông tin thị trường, đánh giá hiệu quả vụ nuôi…”.
Phú Thành Hội quán là nơi gắn kết các thành viên, đoàn kết thắt chặt tình làng nghĩa xóm cùng nhau hợp tác làm ăn có hiệu quả và bàn bạc nâng cao giá trị con lươn trên thị trường; tổ chức tham quan các mô hình nuôi lươn có hiệu quả, không ngừng học hỏi những kiến thức, kỹ thuật nuôi lươn…”. Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
Theo ông Lớn, vào Hội quán, bà con còn được tham gia các hội thảo liên kết công ty, doanh nghiệp cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm. Thực tế thành lập Phú Thành Hội quán giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân từ các khâu con giống tới đầu ra sản phẩm. “Bước đầu, người ta biết mình có hội quán, bà con nông dân có hợp tác với nhau để làm ăn, rồi người ta sẽ đem con giống khỏe mạnh về hợp tác với mình. Thứ 2 nữa là tình hình giá bán lươn thịt, nếu mình nuôi có sản lượng lớn rồi họ tới, họ ký kết hợp đồng với mình, sẽ có giá bán cao hơn, giảm được rủi ro, hạn chế bị ép giá”- ông Lớn cho hay.
Toàn huyện Tam Nông hiện có cả trăm hộ đang nuôi lươn trên 200 hồ xi măng, bồn lót bạt… tập trung nhiều ở các xã Phú Thành A, An Long, Phú Thọ và Phú Thành B. Mỗi năm huyện cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn lươn thịt thương phẩm các loại.
Ông Nguyễn Hồng Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thành A cho biết: “Ra đời Phú Thành Hội quán là để các nông dân cùng ngồi lại nói nhau nghe và nghe nhau nói; chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách làm mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản... Phú Thành Hội quán còn là nơi nhân giống lúa, giống thủy sản, lươn giống nuôi để cung cấp cây con giống cho các hộ nuôi trên địa bàn, nhằm đảm bảo sản xuất chất lượng, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất…”.
Đặc biệt theo ông Nguyễn Hồng Dân, Hội quán là nơi đoàn kết nội bộ, giúp nhau phát triển kinh tế cũng như giúp cho chính quyền địa phương trong thực hiện tốt hơn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã. Đây có thể xem là ngôi nhà chung của nhiều người cùng một tâm nguyện, cùng một chí hướng.