Dân Việt

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đúng chuẩn mà không phải ai cũng biết

Triệu Quang 24/01/2020 00:25 GMT+7
Giáo sư Trần Lâm Biền đã có những chia sẻ về ý nghĩa cũng như cách bày biện mâm ngũ quả trên ban thờ mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán.

img

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Ảnh minh họa internet.

Mâm ngũ quả là thứ không thể thiếu trên ban thờ của mỗi gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Trải qua thời gian, mâm ngũ quả đã có những thay đổi và nhiều người không còn biết đến ý nghĩa của việc bày biện mâm ngũ quả.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, mâm ngũ quả để dâng lên tổ tiên lòng thành kính của gia chủ. 

Mâm ngũ quả không chỉ đơn thuần là 5 thứ quả khác nhau mà còn phải đạt chuẩn, sao cho nó là tập hợp của những kết quả từ ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc, trung phương) và ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).

“Người Việt Nam gốc xưa là nông dân, và vì khởi đầu là nông dân nên mọi người mong muốn cho kết quả lao động sinh sôi, phát triển.  

Chính vì biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển nên cần loại quả nhiều quả như nải chuối, chùm nho; nhiều tay như phật thủ; nhiều múi như bưởi; nhiều mắt như na; nhiều hạt như lựu…”, GS Biền chia sẻ.

img

Mâm ngũ quả thường thấy của người miền Nam. Ảnh minh họa internet.

Ngoài ra, chọn quả để bày biện trên mâm ngũ quả cũng phải tôn trọng quy luật về màu sắc, cần có đủ 5 màu là xanh, trắng, đỏ, đen (sẫm), vàng.

Màu xanh tượng trưng cho phương Đông và hành Mộc. Màu trắng tượng trưng cho phương Tây và hành Kim. Màu đen tượng trưng cho phương Bắc và hành Thủy. Màu vàng tượng trưng cho trung phương và hành Thổ. Mỗi miền sẽ có một loại quả khác nhau nhưng màu phải đạt ngũ phương, ngũ hành.

img

Giáo sư Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam.

Về cách bày biện mâm ngũ quả, theo GS Biền, quả có quả to, quả nhỏ vì vậy, sắp xếp sao cho cân xứng. Mâm ngũ quả ở miền Bắc bao giờ cũng để nải chuối xanh dưới cùng, quả bưởi vàng lên trên, còn những thứ nhỏ hơn thì đặt xung quanh. Ngoài 5 loại quả chính với 5 màu khác nhau, có thể đặt thêm quả phụ vào như cam, quất… vào những chỗ trống sao cho mâm ngũ quả đầy đặn và đẹp mắt hơn.

Với người miền Nam, 5 loại quả thường thấy trên mâm ngũ quả gồm có: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài) và sung (sung túc).

Đối với miền Trung, do khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức. Mâm ngũ quả ngày Tết chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Các loại quả thường thấy là thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…

Giáo sư Trần Lâm Biền cũng chia sẻ thêm, mâm ngũ quả phải đặt ở trên ban thờ chính vì ban thờ là tầng trời, là nơi ở của tổ tiên. Tại đây, chỉ được thờ cúng đồ chay tịnh, hương hỏa, đèn, nến… Cỗ mặn phải để ở tầng dưới hoặc để riêng ra trong lúc thờ cúng.

Bài cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp theo truyền thống

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam người dân coi lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những lễ cũng quan trọng nhất trong...