Dân Việt

10 năm nông thôn mới ở Quảng Nam (2010 - 2020): Tạo sức lan tỏa lớn

Đoàn Hồng - Trần Hậu 19/01/2020 18:45 GMT+7
Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã được công nhận thị xã hoàn thành nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Đây là thành quả nỗ lực rất lớn của chính quyền và nhân dân thị xã Điện Bàn. Sau khi đã về đích, thị xã Điện Bàn đã có những thay đổi lớn. Để nắm rõ hơn về vấn đề này, Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hiếu (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn.

img

Thưa ông, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã được công nhận thị xã hoàn thành NTM vào năm 2015. Sau khi về đích, đến nay thị xã đã có những đổi thay như thế nào?

 - Thị xã Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 tại Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 29/3/2016. Đến cuối năm 2016, thị xã Điện Bàn có 13/13 xã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn xã NTM.

Sau khi các xã đạt chuẩn NTM, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã tổ chức rà soát đánh giá các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành tại Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 13/3/2017.

img

Điện Bàn đã hình thành nhiều mô hình sản xuất rau sạch đem lại hiệu quả lớn.  Ảnh: Đ.H

 "Mục tiêu, nhiệm vụ là duy trì và nâng cao chất lượng 13 xã NTM, xây dựng 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Trung đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu vào năm 2019 và 2020. Xây dựng trên 50% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (55 thôn)”.

Ông Nguyễn Minh Hiếu

Theo đó, thị xã đã xây dựng kế hoạch giữ chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM và xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đến nay, bộ mặt nông thôn các xã đã có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên...

Những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM thị xã Điện Bàn đó là nhận thức của cán bộ và nhân dân không ngừng nâng cao, nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, công sức của người dân trong xây dựng như hiến đất mở đường giao thông nông thôn, chỉnh trang vườn nhà, cổng ngõ, di dời chuồng trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, trồng cây xanh, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, cảnh quan khang trang, môi trường xanh, sạch, văn minh...

Đặc biệt, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt 36,81 triệu đồng/năm (tăng 10,20 triệu đồng/người/năm so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo của các xã còn 1,9%...

Những kết quả đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu những năm tiếp theo.

Hiện nay, Điện Bàn đang tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư nhằm duy trì, nâng chuẩn các tiêu chí, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, để đưa thị xã Điện Bàn thành NTM kiểu mẫu. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này ?

- Đến cuối năm 2018, các xã tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM theo quy định của UBND tỉnh Quảng Nam. Hiện nay thị xã đã có 28 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm 2019, thị xã tiếp tục phấn đấu xây dựng 27 thôn đạt chuẩn.

Về xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu thì hiện nay thị xã đã đăng ký với UBND tỉnh xây dựng 3 xã Gò Nổi (Điện Trung, Điện Phong, Điện Quang) đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2019-2020, để hướng đến xây dựng 3 xã này trở thành vùng NTM kiểu mẫu vào năm 2020.

Riêng trong năm 2019, Điện Bàn tập trung phấn đấu xây dựng xã Điện Quang đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu làm điểm, rút kinh nghiệm để xây dựng xã Điện Trung, Điện Phong đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao vào năm 2020...

Để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua Điện Bàn luôn khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp sạch đã tạo nên nhiều thành công đáng kể. Ông có thể cho biết một vài dấu ấn đã đạt được trên lĩnh vực này và giới thiệu một số mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả đã tạo sức lan tỏa cho Điện Bàn?

- Tuy Điện Bàn trở thành thị xã năm 2015, nhưng Điện Bàn luôn khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Năm 2016, tại kỳ họp thứ XVIII, HĐND thị xã đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 25/12/2015 về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.  Mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng, để nâng cao đời sống nhân dân gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và xây dựng phát triển đô thị. Theo đó, nhiệm vụ là phát triển cả  3 vùng là đô thị, ven đô và vùng ngoài đô thị.

Nhờ đó, đến nay, toàn thị xã có 63 trang trại và hàng trăm gia trại đang hoạt động sản xuất có hiệu quả, đồng thời các mô hình đang được triển khai. Nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả và thu nhập cao như mô hình sản xuất lúa quy mô cánh đồng lớn được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn thị xã, với diện tích 720ha; hay mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ vi sinh được triển khai tại xã Điện Hòa, Điện Quang, Điện Tiến, phường Điện Nam Trung, Điện Ngọc…

Đặc biệt, các mô hình sản xuất, trồng rau theo hướng an toàn, ứng dụng cộng nghệ cao. Nhất là nhân rộng mô hình trồng măng tây xanh an toàn ở Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung... Hay như mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ; mô hình cánh đồng chuyên canh kết hợp cơ giới hóa trên cây đậu xanh; mô hình trồng và thâm canh ngô kết hợp công cụ gieo hạt; mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở 3 xã Gò Nổi; trồng hoa, quất…

Chặng đường 5 năm sẽ được xét và công nhận lại thị xã NTM không còn xa (năm 2020), trong thời gian tới, thị xã Điện Bàn sẽ tập trung các nhiệm vụ, giải pháp nào để tiếp tục đầu tư cho Chương trình nông thôn mới?

- Mục tiêu, nhiệm vụ là duy trì và nâng cao chất lượng 13 xã NTM, xây dựng 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Trung đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu vào năm 2019 và 2020. Xây dựng trên 50% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (55 thôn).        

Để thực hiện, thị xã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó Điện Bàn xác định xây dựng NTM không có đích cuối cùng, mà chỉ là bước đầu hoàn thiện, mục đích chính cuối cùng của xây dựng NTM là làm sao để thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng giảm nghèo, rút ngắn dần khoảng cách thành thị và nông thôn.

Điện Bàn sẽ tập trung quán triệt, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về xây dựng NTM, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Mặt khác, đa dạng hóa, xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Huy động nguồn lực đầu tư trực tiếp từ chương trình từ nguồn đầu tư trung hạn NTM; nguồn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, đề án đang được triển khai... và vốn vận động của các tổ chức, cá nhân, người con xa quê...

Đặc biệt là vận động người dân tham gia góp công, góp của, hiến đất, vật kiến trúc làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa...