Theo đó, nhân dân được giám sát Công an nhân dân (CAND) trong việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.
Người dân được giám sát CSGT.
Cụ thể, các hình thức được giám sát đối với Cảnh sát giao thông (CSGT) gồm: Thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Điểm mới của Thông tư 67/2019 khác so với Thông tư 54/2009, là bổ sung thêm hình thức giám sát phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, cũng quy định rõ, việc giám sát CSGT phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. Riêng với hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, thì phải ngoài khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông).
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, người dân chỉ được quyền giám sát CSGT ngoài khu vực đặt cọc tiêu hoặc dây căng nhưng phải đảm bảo cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nơi được giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ANTT. Dây căng là dây có nền màu đỏ, chiều rộng từ 5 - 10cm; trên dây có in dòng chữ "khu vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.
Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Vũ Văn Biên, Văn phòng Luật An Phước cho biết: "Việc giám sát CSGT được thực hiện nhiệm vụ trực tiếp bằng mắt hoặc bằng các phương tiện điện tử như ghi âm, ghi hình sẽ giảm bớt những vụ việc gây tranh cãi về những hành vi có tính chất tiêu cực trong hoạt động này và tìm hiểu làm rõ hành vi bảo kê (nếu có).
Theo Luật sư Vũ Văn Biên, dù người dân có được giám sát lực lượng thi hành pháp luật thì cũng phải tuân thủ theo các quy định pháp luật. Người dân không được cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT gây cản trở đến hoạt động của lực lượng CSGT. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến việc người dân sau khi ghi âm, ghi hình rồi chia sẻ lên mạng xã hội trái phép hoặc thêm bớt, chỉnh sửa cắt ghép nhằm bôi nhọ, xúc phạm người khác cũng sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội vu khống, làm nhục người khác.