Trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại vịnh Mân Quang, mới đây, UBND quận Sơn Trà đã ra thông báo chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ các chòi canh, lồng bè xây dựng trái phép tại khu vực phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang.
Ghi nhận của PV ngày 15/1, tại khu vực ven bờ từ chân cầu Mân Quang dẫn ra cầu cảng gần đồn biên phòng Mân Quang vẫn còn xuất hiện các lồng bè, nhà tạm trái phép.
Ông N.V.N (phường Nại Hiên Đông) cho biết, hầu hết người dân ở đây trước giờ đều sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là cá, hàu, nghêu, ốc các loại trên sông. “Dù biết nuôi cá ở khu vực nước ô nhiễm nguy cơ cá chết bất cứ lúc nào nhưng bây giờ mà dẹp người dân chúng tôi biết làm nghề gì”, ông H than thở.
Được biết, trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ lồng bè, chòi canh xây dựng trái phép trên vịnh Mân Quang, UBND phường Nại Hiên Đông phát hiện một số hộ dân không có nhà ở ổn định, lấy chòi canh làm nơi sinh sống, tá túc. Đơn cử trường hợp ông Đ.V.L đã hơn 5 năm nay, ông L cùng 6 thành viên trong cả gia đình ra chòi canh sinh sống.
Ông Đ.V.L cùng "căn nhà" tạm.
Ông L là chủ một lồng bè rộng chừng 500m2 dùng nuôi nghêu. Tuy nhiên, việc làm ăn của ông liên tục thua lỗ khiến đời sống kinh tế khó khăn.
“Tình trạng môi trường ở đây ô nhiễm nhiều năm, việc nuôi trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng chịu rồi, nghề không có, nhà cũng không, tôi biết phải làm sao. Tôi chỉ mong các chính quyền địa phương tạo điều hỗ trợ nơi cư trú, chuyển đổi ngành nghề để chúng tôi được ổn định cuộc sống”, ông L cho hay.
Trao đổi với PV, Ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, qua công tác kiểm tra, khảo sát, UBND phường đã lập danh sách 98 hộ dân làm lồng bè nuôi cá, vẹm, hàu và 15 hộ dựng chòi canh trên đất nuôi nghêu.
“Vừa qua, chúng tôi mời tất cả các hộ có nuôi trồng hải sản và xây dựng trái phép tại vịnh Mân Quang đến gặp gỡ, tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân không được tự ý mở rộng, phát sinh lồng bè mới. Trong thời gian chờ thu hoạch, không được thả lứa giống mới và tự nguyện di dời, hoàn trả mặt bằng trước ngày 15/12/2019. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, nhiều chủ lồng bè không có mặt tại khu vực nuôi trồng, lại cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên công việc tháo dỡ chòi canh kéo dài đến nay vẫn chưa xong”, ông Hải thông tin
Khu vực này, những năm gần đây, do nguồn nước bị ô nhiễm nên đã nhiều lần xảy ra tình trạng cá, nghêu chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Tấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, từ giữa tháng 10, UBND phường phát thông báo về việc tự tháo dỡ, di dời nhà tạm trái phép tại vịnh Mân Quang đến các hộ dân và yêu cầu các hộ tự tổ chức tháo dỡ lồng bè trước ngày 20/10/2019. Trường hợp không chấp hành, UBND phường sẽ tổ chức tháo dỡ theo quy định.
“Trước khi tháo dỡ các công trình lồng bè, nhà tạm trái phép, chúng tôi đã tổ chức họp dân để vận động tự tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên, các hộ dân có nhà tạm trái phép trên vịnh Mân Quang hầu hết là hộ nuôi trồng thủy sản tại khu vực, quây nhà tạm để đựng thức ăn chăn nuôi cũng như quản lý tài sản nuôi trồng dưới nước. Bên cạnh đó, vịnh Mân Quang là ranh giới giữa hai phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang nên có những khó khăn trong công tác quản lý, vận động cũng như tháo dỡ, cưỡng chế”, ông Lê Tấn Thanh nói.
Ban Bạn đọc - Báo Điện tử Dân Việt tiếp nhận bài viết cộng tác, phản ánh, thông tin của quý độc giả qua số điện thoại Đường dây nóng 098.552.3229, email: bandocdanviet2010@gmail.com. |