Thay thế 12 người nhặt rác
Tác giả của chiếc máy nhặt rác đặc biệt này là nhóm bạn: Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật và Trương Văn Bình, cùng là sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy, khoa cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Chia sẻ với phóng viên, Võ Anh Khoa - Trưởng nhóm sáng chế chiếc máy thông minh này cho biết: "Sau những lần đi tình nguyện, đi cắm trại tại các bãi biển, nhóm các em thấy rất nhiều rác thải trôi dạt ở khu vực mép nước. Sau khi tìm hiểu, được biết hầu hết những loại máy thu gom rác trên mặt nước đều chỉ hoạt động được ở chỗ nước sâu, còn ở mép nước có lẫn nhiều cát sẽ khó hoạt động, nhóm đã hình thành ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy vừa thu gom trên cát, vừa thu gom dưới nước và đặc biệt hữu ích ở khu vực mép nước".
Nhóm bạn trẻ với mô hình phương tiện thu gom rác thủy bộ. Ảnh: T.H
Chiếc máy vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và cát được trả lại môi trường). Sau đó, rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ) rồi được đưa về thùng chứa. Khi đầy, công nhân có thể tháo thiết bị để lấy thùng rác ra. |
Chiếc máy thu gom rác thải thủy bộ của nhóm có thiết kế khá lớn, với kích thước dài 4,3m, rộng 2,7m và cao 1,7m. Cửa gom rác của máy có bề rộng 4m, thể tích thùng chứa rác là 2m3, vận tốc trên cạn tối đa 12km/giờ, vận tốc dưới nước 16 km/giờ. Máy có thể hoạt động liên tục 6 tiếng và có năng suất tương đương với 12 người nhặt rác bằng tay.
Bạn Trần Văn Nhật chia sẻ: "Em mong muốn sáng chế của nhóm sẽ sớm được ứng dụng thực tế, để góp phần giảm thiểu lượng rác thải tại các bờ biển trong nước. Đồng thời, các cô chú công nhân vệ sinh môi trường cũng đỡ vất vả trong công việc".
Phần thưởng xứng đáng
Khó khăn nhất của nhóm là phải mất rất nhiều thời gian và công sức vì không có trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để hoàn chỉnh thiết kế. Tất cả phải thực hiện bằng các thiết bị cầm tay nhưng phải đảm bảo tính chính xác trong từng chi tiết.
"Qua nhiều lần chạy thử nghiệm, sản phẩm đã đáp ứng được những tiêu chí cơ bản đặt ra về hiệu suất và tính ổn định. Nhóm mình tin tưởng về tính khả thi của phương tiện khi đưa vào thực tiễn" - Võ Anh Khoa khẳng định.
Hiện nhóm đang có hướng phát triển thêm những tính năng bổ sung và điều chỉnh về kết cấu, kích thước để đưa sản phẩm vào sử dụng thực tế. Để tối ưu khả năng thu gom rác, sản phẩm thực tế dự tính sẽ có kích thước tương đương một chiếc xe bán tải.
Anh Võ Duy Minh - Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, đánh giá: "Mô hình có khả năng ứng dụng cao, có thể thay thế con người trong việc dọn vệ sinh bờ biển, sông, hồ... đem lại hiệu quả tích cực, giảm nhân công và phòng tránh các rủi ro trong lao động".
"Mô hình có khả năng ứng dụng cao, có thể thay thế con người trong việc dọn vệ sinh bờ biển, sông, hồ..., đem lại hiệu quả tích cực, giảm nhân công và phòng tránh các rủi ro trong lao động". Anh Võ Duy Minh - |
Thành đoàn và Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nhóm phát triển sản phẩm và đưa vào thị trường. Sản phẩm hoàn thiện dự tính với chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các thiết bị cùng chức năng trên thế giới.
Một tin vui nữa là đề tài “Nghiên cứu thiết kế phương tiện thủy bộ thu gom rác bãi biển, mặt nước” của nhóm sinh viên này đã giành giải Nhất trong lễ trao giải Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học TP.Đà Nẵng năm 2019 do Sở Khoa học Công nghệ TP.Đà Nẵng phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.Đà Nẵng tổ chức.