Ngon nhờ làm thủ công
Xã Phú Thọ hiện có Phú Nông hội quán, Công ty khô cá lóc Tứ Quý và gần 200 hộ nuôi cá lóc và chế biến khô cá lóc cung cấp sản lượng bình quân khoảng 4,3 tấn/ngày.
Xã còn có 50 cơ sở chế biến và bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút từ 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Các cơ sở chế biến khô cá lóc ở xã Phú Thọ đang tăng nhịp độ sản xuất. Trung bình, mỗi cơ sở làm ra từ 50 - 70kg khô cá lóc thành phẩm các loại/ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện Tam Nông.
Cơ sở khô cá lóc của bà Nguyễn Mai Trinh hoạt động tấp nập ngày đêm. Ảnh: P.V
Để mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã hướng dẫn cơ sở Phan Chao nên liên hệ với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh để được tiếp cận các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh… |
Lúc cao điểm, một cơ sở bán được cả trăm kg khô cá lóc các loại. Giá bán mỗi kg khô cá lóc hiện dao động từ 150.000 - 170.000 đồng tùy loại (không tăng so với cùng kỳ năm trước).
Cứ 4kg cá lóc tươi sẽ làm ra được 1kg cá lóc khô và phải phơi từ 3 - 4 nắng mới xuất bán được. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay lại thích ăn khô cá lóc phơi 1 nắng, có giá bán dao động 100.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Mai Trinh - Chủ cơ sở chế biến khô cá lóc Thảo Ngân (xã Phú Thọ) cho biết: Khô cá lóc ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết sản phẩm khô cá lóc ở xã Phú Thọ đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời, giá bán phải chăng…
Bà Trinh bày tỏ: “So với năm rồi, mình bán khô cá cũng chạy y chang hà, bán khô cá năm nay đắt hàng vậy đó. Thị trường tiêu thụ là Sài Gòn, Bình Dương... Khô cá lóc 1 nắng giá thành 120.000 đồng/kg, khách hàng cũng chuộng lắm, chiên -nướng ăn liền đều ngon...”.
Phát triển thành sản phẩm du lịch
Năm nay, làng nghề làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ vừa được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa làng khô cá lóc Phú Thọ nên tăng giá trị sản phẩm khô cá lóc, rất thuận tiện trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Phơi cá lóc làm khô ở xã Phú Thọ.
Tại cơ sở làm khô cá đồng Phan Chao ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến cảnh tất bật làm ra sản phẩm để cung cấp cho thị trường tết.
Bà Nguyễn Thị Ngoãn - chủ cơ sở khô cá Phan Chao cho biết: Nguyên liệu sản xuất khô cá của cơ sở được đặt mua từ những người dân đánh bắt ngoài tự nhiên chở tới tận nơi.
Trung bình, mỗi ngày cơ sở của bà Ngoãn làm ra trên 50kg khô cá lóc đồng, khô cá kết, khô cá trèn, khô cá chạch… thành phẩm và cung cấp ra thị trường từ 20 - 25kg khô cá đồng các loại. Lúc cao điểm, cơ sở bán được từ 30 - 50kg khô cá đồng các loại trở lên.
Sản phẩm khô cá đồng của cơ sở Phan Chao đều được đưa vào bao bì, ép chân không cẩn thận, không chất bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cơ sở Phan Chao còn sản xuất và bán khô trâu với giá 600.000 đồng/kg. Nhiều khách hàng thưởng thức khô cá đồng, khô trâu của Cơ sở Phan Chao sản xuất đều khen hương vị thơm ngon, an toàn thực phẩm… nên đặt mua nhiều.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trong chuyến khảo sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông đã ghé Cơ sở sản xuất khô cá Phan Chao. Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đã đánh giá cao mô hình này và đề nghị chủ cơ sở bổ sung thêm trên bao bì sản phẩm về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống bảo quản… Ông Dương cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương hỗ trợ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại của tỉnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các khu điểm du lịch…