Dân Việt

Giáp tết, giá gà tăng vù vù, nông dân vẫn chưa hết lo

Trần Khánh 17/01/2020 19:30 GMT+7
Thịt gà đang giữ mức giá cao giúp nhiều nông dân Đông Nam bộ kỳ vọng thu lãi khá cuối năm. Nhưng sau tết, ngành chăn nuôi này cần tính toán lại kế hoạch bài bản để hạn chế cảnh giá cả trồi sụt như vừa qua.

Kỳ vọng thu lãi khá

Những ngày này, trang trại gà ta thả vườn của chị Võ Hải Linh ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) đang tấp nập người ra vào đặt gà thịt cho dịp tết. Chị Linh thường nuôi theo hình thức gối đầu, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Riêng lứa gà tết năm nay, chị nuôi 2.500 con cung cấp cho thị trường Tết âm lịch.

Anh Lưu Kim Phúc ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) kể, mấy tháng trước, gia đình chỉ nuôi chừng 8.000-10.000 con gà thả vườn. Riêng dịp Tết, do nhu cầu tiêu thụ mạnh hơn nên gia đình đã tăng thêm 5.000 con. Hầu hết số lượng gà trong trại đã được các thương lái đặt mua và đang chờ xuất chuồng.

Anh Phúc cho biết, mùa tết năm ngoái, giá gà chỉ đạt 43.000-53.000 đồng/kg thì năm nay đã tăng lên 70.000- 80.000 đồng/kg. Nhất là từ sau rằm tháng chạp âm lịch, giá gà vẫn giữ đà ổn định. Mức giá này mà còn duy trì tới cuối năm, vụ gà Tết sẽ giúp anh thu về hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

img

Nông dân nuôi gà đang kỳ vọng thu lãi khá dịp cuối năm

Tại Đồng Nai, thời điểm cuối tháng 12/2019, gà công nghiệp bán tại trại 36.000 đồng/kg nhưng hiện cũng tăng lên 38.000-40.000 đồng/kg. Mức giá này đã cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gà ta thả vườn cũng đang dao động trên dưới 70.000 đồng/kg.   

Theo ông Nguyễn Văn Toán (huyện Thống Nhất), gà được giá do tết là mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. “Và đây lại là một trong những thực phẩm chính được lựa chọn để thay thế cho thịt heo vẫn giữ giá bán cao”, ông Toán giải thích.

Bản thân ông Toán sau đợt dịch tả heo châu Phi cũng đã chuyển sang nuôi 1.000 con gà. Đây cũng là lứa gà đầu tiên đúng vào dịp tết Canh Tý. “Hy vọng giá gà còn giữ được mức ổn định để mang lại cái tết tương đối cho gia đình khi không còn heo nữa”, ông Toán nói.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), từ thời điểm cuối năm 2019, giá gà khắp khu vực phía Nam đều tăng cao. Trước đó, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30-40%. Cùng với dịch bệnh lan rộng trên đàn heo khiến giá nhảy vọt, giá gà cũng tăng trở lại. Điều đáng ngại là tổng đàn gà ở một số địa phương lại đang có dấu hiệu tăng mạnh.

Tổ chức lại chăn nuôi

Theo thống kê, hiện tổng đàn gà của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 4,2 triệu con, tăng khoảng 400.000 con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ cuối năm, cùng với nhiều hộ khác chuyển đổi mô hình sau dịch tả heo châu Phi.

Giữa tháng 9/2019, đàn gà Đồng Nai có khoảng 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so cuối năm 2018. Sau đợt rớt giá sâu, đàn gà trong tỉnh giảm mạnh. Nhưng khi thịt heo tăng giá, đàn gà được đà tăng đàn trở lại. Cuối tháng 12/2019, tổng đàn gà của tỉnh khoảng 25 triệu con. Đến đầu năm nay, tổng đần lên 25,7 triệu con. Không nhiều bằng đợt tháng 9 năm ngoái nhưng con số này vẫn cao hơn 21% so cùng kỳ.

img

Chăn nuôi gà cần hoạch định lại kế hoạch cho phù hợp thị trường.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, việc tăng nóng đàn gà đã có lúc khiến giá gà rớt xuống chạm đáy, người nuôi lỗ nặng. Những ngày cận tết, giá gà tăng lên, có thể giúp bù lại thời gian thua lỗ vừa qua. Song về lâu dài, người chăn nuôi cần tính toán lại kế hoạch chăn nuôi cho phù hợp, tránh dội chợ rớt già và thiệt hại nặng như vừa qua.

Cũng theo ông Công, công tác thống kê trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn độ chênh nhất định so với thực tế. Chỉ khi thống kê đúng thì công tác điều hành giá mới tốt hơn, việc đánh giá đúng thiệt hại mới giúp đưa ra được các giải pháp điều hành phù hợp.

Bài học từ con gà trong tỉnh hết, giá hết trồi lại sụt, tổng đàn hết giảm lại tăng chứng minh cho điều này. Tuy giá tăng giảm theo quy luật cung cầu nhưng rõ ràng ngành chức năng chưa kiểm soát được việc điều tiết thị trường, tăng giảm đàn bao nhiêu con là vừa đủ.

Ông Huỳnh Thành Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai thừa nhận, khi dịch đến trại heo thì đa số chyển sang nuôi gia cầm, thủy cầm. Giai đoạn giảm giá vừa qua, nhiều người lỗ từ 15 - 20 triệu trên mỗi 1.000 con, nên nhiều người đặt kỳ vọng vào giá cao cuối năm.

Định hướng sắp tới, Sở NNPTNT đề nghị các hộ, trại cần tính toán lại nhu cầu thiết thực của thị trường để tính toán chăn nuôi phù hợp. “Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng thêm nhiều vùng an toàn dịch bệnh qua đó phục vụ nh cầu trong nước và định hướng xuất khẩu”, ông Vinh chia sẻ.