Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục ngày Tết có từ xa xưa của người Việt. Đây là một nét đẹp trong ngày Tết truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với ước vọng một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.
Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mồng một Tết, xin một cành cây lộc nơi đền, chùa, miếu... sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Cành lộc ấy với ý nghĩa tượng trưng là gieo trồng để đem sự may mắn, phát tài, nảy nở sinh sôi cho tín chủ.
Có những điều “đại kỵ” trong việc hái lộc dịp Tết Canh Tý 2020 mà không phải ai cũng biết.
Trong đêm trừ tịch, thời khắc giao thừa cùng với không khí linh thiêng, thanh tịnh, sân chùa và vườn cây đang đâm chồi phát lộc cho ta niềm tin thành kính về luật Nhân Quả.
Từ giờ phút linh thiêng này, ta có thể phát nguyện xóa đi sự xui xẻo, rủi ro, xóa đi mọi sân hận tỵ hiềm trong năm cũ để đến với mọi người bằng tâm hoan hỷ và những lời chúc nguyện tốt lành, để cùng nhau thắp lên hy vọng về một năm mới tốt lành hơn. Đó là nghi lễ xin lộc.
Lộc tượng trưng cho những gì mới mẻ, trẻ trung được gieo trồng, được hình thành cho một tương lai xán lạn đang chờ ở phía trước.
Sau khi xin được cành lộc, cây lộc về sẽ được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và để báo cho mọi thành viên được biết. Rước được lộc về nhà, sau đó đem cành lộc, cây lộc gieo trồng trên một khoảng đất đã được chuẩn bị sẵn.
Xã hội ngày càng phát triển, tuy tục “hái lộc xuân” vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần, nhưng đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như phương thức của mỗi người, mỗi vùng miền, mỗi địa phương.
Ông Khanh nhấn mạnh, muốn hái lộc được thành tựu phải tuân theo Nhân Quả. Tức là phải tâm thành, thiện lương, hiếu đạo mới "xin lộc" được và song hành với việc “xin lộc” là phải “gieo” làm sao cho lộc nảy nở sinh sôi chứ không phũ phàng chặt phá, vặt trụi mầm xanh của cây cối, triệt hạ sự phát triển của tương lai.
"Muốn hái lộc phải gieo mầm, làm nhiều điều tốt lành, là gieo phúc đức thì lộc trời sẽ ào ạt tuôn chảy về nhà, chứ đâu phải hiểu theo nghĩa cùn là vặt các chồi cây ở sân chùa, tranh nhau cướp phá bẻ cành hái búp làm đau đớn và chảy máu mầm xuân trong dịp đầu năm." – Tiến sỹ Vũ Thế Khanh nói.
Ông Khanh nói thêm, nhiều nơi có sáng kiến dùng cây mía còn cả ngọn làm cây lộc, đã thay thế cho hủ tục tệ hại bẻ lộc, hái cây đầu xuân. Cây mía có ngọn, vừa mang được vị ngọt ngào trước mắt, lại mang chồi lộc (ngọn mía) về canh tác cho sinh sôi nẩy nở và đậm đà cả năm, vừa giữ gìn được cảnh quan chung, cũng là gìn giữ một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của làng xã.
Khi phật tử đến chùa, khấn mời gia tiên, họ cũng hoan hỷ theo con cháu đến chùa. Ngoài ra, những vong linh, cô hồn lang thang đói khổ, không nơi nương tựa cũng về tá túc trên những cành cây, chồi non xung quanh vườn chùa và nơi công cộng để hưởng sự bố thí trong nghi lễ cúng cô hồn.
Khi một ngươì nào đó đến bẻ cành, hái búp ở chốn linh thiêng và coi đó là “lộc” để khấn xin có thể họ sẽ đi theo người đó về nhà. Nếu gặp phải vong hiền lành sẽ đỡ phiền phưc, nhưng chẳng may gặp phải vong hung dữ, hoặc gặp phải oan gia nghiệp chướng sẽ là rước họa.
Nếu không cúng cấp chu đáo quanh năm theo yêu sách của họ sẽ thật phiền phức, phải có đạo lực và công đức tu hành thật viên mãn may ra mới có thể cải nghiệp biền nguy thành an đối với các quỷ đói này.
Như vậy bẻ cành “lộc” ở chùa chiền hoặc nơi công cộng là triệt hạ cây cối, là phá hoại môi trường trong ngày đầu xuân, chẳng những làm cho cảnh trần gian xác xơ trơ trụi mà còn gây nên những hậu quả tiêu cực trên phương diện tâm linh.
“Sự lạm dụng và hiểu nhầm khái niệm “hái lộc đầu xuân” không thể làm cuộc sống tốt đẹp lên bởi những “cành lộc” bị hái đó mà ngược lại, việc bẻ cành, chặt cây là những hành vi thiếu văn hóa, đã và đang tàn phá, hủy hoại môi sinh.
Hành động bẻ cành lộc đang xanh tươi không phải là gieo nhân tốt, mà là đang phá hoại, đang “triệt lộc”, đang gieo một nhân xấu. Cần phải có những hình thức quyết liệt hơn, nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn hành vi hái búp bẻ cành. Phải cho mọi người thấy rằng, thay vì hái lộc hãy gieo lộc bằng cách trồng thêm cây cho ngày sau và cho thế hệ mai sau” – ông Khanh nhấn mạnh.
Bài viết: “Những điều “đại kỵ” trong việc hái lộc dịp Tết Canh Tý 2020” mang tính chất tham khảo.