Nông dân tiếc vì không có lợn bán
Theo thống kê của chi Cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, kể từ ngày 18/5/2019 đến nay, tỉnh đã tiêu hủy hơn 48.900 con lợn bị nhiễm vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang, thông tin: Đến nay tình hình dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Kiên Giang và các tỉnh khu vực ĐBSCL đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nguy cơ ổ dịch phát sinh vẫn ở mức cao, ngay cả với cơ sở chăn nuôi có điều kiện an toàn sinh học. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cần phải quyết liệt và kiên trì, nhất là dịp Tết”.
Ông Trương Phước Hai chăm sóc đàn lợn khá kỹ lưỡng hi vọng qua Tết bán được giá cao. (Ảnh: TT).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên hiện giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ, siêu thị cũng vẫn giữ mức cao: Thịt ba chỉ ở khoảng 130-140 ngàn đồng/kg, thịt đùi ở mức 100 ngàn đồng/kg, sườn non ở khoảng 120 ngàn đồng/kg. Dự báo, giá thịt lợn sẽ còn tiếp tục tăng cao do nhu cầu người dân ngày càng tăng, nhất là dịp Tết sắp tới.
Ghi nhận của phóng viên tại các huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, một số hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ đang có mong muốn được tái đàn. Tuy nhiên, theo hộ chăn nuôi, trung bình mỗi lứa lợn nuôi khoảng 4 - 6 tháng mới cho xuất chuồng. Trong khi đó, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, do đó việc tái đàn lợn hiện nay sẽ không kịp để phục vụ thị trường dịp Tết.
Nông dân Trương Phước Hai (ngụ huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) cho biết: “Trại lợn nhà tôi có hơn 100 con, lúc trước bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện gia đình đã tiêu hủy 26 con. Trước đó tôi đã xuất bán 70 con nên cũng không thiệt hại nhiều. Trong lúc bệnh dịch bùng phát, trại lợn có 13 con đang mang thai, nhờ vệ sinh kỹ nên đến nay đàn lợn đã sinh sản gần 100 con”.
“Tuy nhiên, Tết Nguyên đán đang cận kề việc xuất bán trong dịp Tết sẽ không kịp, tôi cũng thấy tiếc do giá đang cao. Dự định qua Tết, tôi xuất bán trước 20 con, thu về hơn 200 triệu đồng” - ông Hai chia sẻ.
Do ảnh hưởng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nên giá lợn hơi và thịt lợn ở chợ vẫn ở mức cao. (Ảnh: Chúc Ly).
Theo các hộ chăn nuôi tại huyện Tân Hiệp, hiện bệnh dịch đã lắng xuống nhưng khâu vệ sinh tiêu độc được các gia đình thực hiện khá kỹ lưỡng. Do đó chi phí phun thuốc, sát trùng khá cao. Tuy nhiên, để đàn lợn được khỏe mạnh nông dân sẵn sáng bỏ ra chi phí này. Nếu giá cả vẫn cao như hiện tại, nông dân sẽ hốt bạc khi xuất bán sau Tết.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tỉnh ở khu vực ĐBSCL, giá lợn hơi dao động quanh mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg. Trong đó, TP.Cần Thơ và Kiên Giang cùng giữ mức 81.000 – 82.000 đồng/kg; các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ở mức 78.000 - 80.000 đồng/kg.
Ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn
Thời gian qua, giá lợn hơi tại ĐBSCL liên tục tăng cao. Trong khi nguồn cung hạn chế, lợi nhuận từ việc buôn bán lợn nhập lậu cao, nên tình trạng buôn lậu lợn thịt từ Campuchia vào nước ta tăng mạnh.
Trong những ngày qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang liên tục bắt giữ các đối tượng vận chuyển lợn từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, phần lớn đều không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều con bị trầy xước, toàn thân tím tái, thậm chí đã chết. Cụ thể, từ đầu tháng 11 đến nay, BĐBP tỉnh An Giang đã bắt giữ 5 vụ, tịch thu 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng.
Theo ông L.V.H (ngụ xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang), lái thuyền máy chở 30 con lợn bị BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ ngày 10/11, thịt lợn ở Campuchia chủ yếu lấy nguồn hàng từ Thái Lan, giá nhập về thường rất rẻ, dao động từ 40.000-45.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi tại tỉnh An Giang thì giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.
Ở những ngày cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn tăng cao. Vì vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình này, BĐBP tỉnh An Giang đã chỉ đạo triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường sông trên biên giới; phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm từ động vật, đặc biệt là lợn thịt, các sản phẩm từ thịt lợn.
BĐBP tỉnh An Giang bắt giữ số lượng lớn lợn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. (Ảnh: CTV).
Theo đại tá Nguyễn Thượng Lễ - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, ngoài tuần tra, kiểm soát, lực lượng còn đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân khu vực biên giới về nguy cơ của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép.
Trong khi đó, theo ngành chức năng các tỉnh, cận Tết nhu cầu thịt lợn tăng, giá cũng tăng nhưng sẽ không có chuyện hiếm hàng.
Tại Cà Mau, Sở Công Thương tỉnh cho biết, sức tiêu thụ thịt lợn những ngày giáp Tết có tăng. Tổng lượng lợn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng 10.000 con cho thấy tình hình tiêu thụ thịt lợn có chiều hướng phục hồi. Dự kiến trong tháng 1, lượng tiêu thụ thịt lợn tăng thêm khoảng 30%, đặc biệt trong 5 ngày cao điểm từ ngày 19 – 23/1 (nhằm ngày 25 – 29 tháng Chạp).
Hiện nguồn cung thịt lợn từ lợn hơi tại 8 trại nuôi trong tỉnh với khoảng 15.000 con. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y, lượng lợn còn nuôi và có khả năng xuất chuồng trong thời điểm Tết cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành ĐBSCL, ngoài tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cơ sở để thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm, ngành chức năng còn phối hợp chặt chẽ với ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, chính quyền địa phương rà soát các cơ sở chăn nuôi, lò giết mổ, kinh doanh thịt lợn trên địa bàn để có biện pháp quản lý.