Bồn bồn là loại thực vật phát triển mạnh, luôn tươi tốt ở vùng đất ngập nước, mọc trong ao hồ hoặc mé sông, nơi có dòng chảy chậm, có khả năng chịu phèn mặn, ngập sâu. Trước đây, ở tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực miền Tây, bồn bồn được xem là cây cỏ dại mọc hoang nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như gỏi bồn bồn, dưa bồn bồn.
Bồn bồn là loài cây thích hợp với điều kiện đất ngập nước, phèn. Ảnh: Chúc Ly.
Huyện Cái Nước là địa phương có diện tích bồn bồn lớn của tỉnh Cà Mau, với hơn 150 hộ trồng loại cỏ cũng là loại rau này. Trong đó, bồn bồn tập trung nhiều ở xã Tân Hưng Đông và Hòa Mỹ, với năng suất đạt khoảng 3 tấn/ha/năm.
Những năm gần đây, khi cây bồn bồn được nhiều người ưa chuộng, trở thành đặc sản nức tiếng gần xa, không riêng huyện Cái Nước, nhiều nông dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn.
Diện tích bồn bồn tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Ảnh: Chúc Ly.
Người dân ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau phấn khởi thu hoạch bồn bồn bán Tết. Năm nay, bồn bồn lại trúng mùa được giá nên nhiều gia đình ăn Tết đón xuân vui vẻ, ấm cúng, đủ đầy hơn. Ảnh: Chúc Ly.
Người dân trồng cây bồn bồn ở huyện Cái Nước cho hay, vốn là loài cỏ dại mọc hoang dã nên cây bồn bồn có sức sống mãnh liệt nên dễ trồng, phù hợp với vùng đất phèn. Thông thường, vào đầu mùa mưa cây bồn bồn sẽ sinh sôi, bà con chỉ việc bứng ra ruộng trồng, rồi chờ đến thời gian thu hoạch và gần như không phải chăm sóc, ít tốn phân. Đặc biệt, trồng bồn bồn gần như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bồn bồn được coi là rau sạch...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Quách Thanh Sử-Nông dân Việt Nam xuất sắc ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho hay, gia đình ông thu về 80-100 triệu đồng/năm từ cây bồn bồn.
Đại diện Phòng NN PTNT huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET cho biết, những năm gần đây, mô hình trồng bồn bồn đem lại thu nhập khá cho người dân. Trồng bồn bồn mang lại giá trị kinh tế với khoảng 100–120 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, trồng bồn bồn, người dân còn có thêm nguồn thu từ việc thả nuôi tôm càng xanh hay cá đồng kết hợp trên cùng diện tích. Năm 2016, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả cây bồn bồn với diện tích 100ha.
Bồn bồn là loài cây có giá trị kinh tế cao lại thích ứng biến đổi khí hậu. Sản phẩm bồn bồn của tỉnh Cà Mau ngày càng được ưa chuộng và đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Ảnh: Chúc Ly.
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, bồn bồn tươi có giá bán từ 35.000-40.000 ngàn đồng/kg. Ảnh: Chúc Ly.
Dưa bồn bồn được người dân bày bán nhiều trên các tuyến đường. Ảnh: Chúc Ly.
Theo thống kê toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100ha trồng bồn bồn. Cây bồn bồn ngày càng khẳng định được vị thế khi có thể thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhằm phát huy tiềm năng của loại cây đặc sản này, UBND tỉnh Cà Mau đã giao Sở NN PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng rà soát hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bồn bồn, yêu cầu của thị trường đối với chất lượng, số lượng dưa bồn bồn.
Thông thường, bồn bồn tươi được người dân bán với giá ổn định từ 25.000-30.000 đồng/kg. Còn ở những ngày cận Tết, giá bồn bồn có thể tăng lên ở mức 35.000-40.000 đồng/kg do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao; dưa bồn ở mức từ 60.000-70.000 đồng/kg.
Cây bồn bồn còn có các tên gọi khác như: Cây cỏ nến, cây hương bồ, cây bông liễng, cây thủy hương hồ, cây bồ hoàng thái, cây hương bồ thảo. Cây bồn bồn có tên gọi khoa học: Typha orientalis G.A, Typha augustifolia L hay Typha angustata Bory et Chaub; cây bồn bồn thuộc họ: Cỏ nến ( Typhaceae). Bồn bồn hiện nay được xem là món ăn đặc sản trong các nhà hàng không chỉ bởi hương vị giòn ngọt hấp dẫn mà còn nhờ có nhiều công dụng tốt với sức khỏe. Ngó và lá non bồn bồn được chế biến thành nhiều món ngon, nổi tiếng nhất vẫn là bồn bồn xào thịt bò; bồn bồn bóp gỏi tôm thịt; bồn bồn nấu lươn; dưa bồn bồn... |