Khoét vào nỗi đau
Lời thách đấu ấy vô tình khoét sâu vào nỗi đau của những bậc tiền bối đất Phật Sơn. Một thế kỷ trước, những lời thách đấu của các võ sĩ Không thủ đạo Nhật Bản đã khiến giới võ lâm Phật Sơn nhiều lần tắm máu.
Tượng anh hùng Hoàng Phi Hồng (người con của Thiếu Lâm) đặt ở Phật Sơn. |
Cuộc thách đấu của kẻ đi chinh phục khi ngay trên đất nước Trung Hoa đang đầy những biển cấm: "Cấm chó và người Trung Quốc" đã khiến các cuộc chiến ấy không cân sức, nhiều võ sư mất mạng trên võ đài. Ngay cả võ sư Diệp Vấn - Chưởng môn phái Vịnh Xuân quyền, người sau này là thầy của Lý Tiểu Long đã suýt tử thương trên sàn đấu.
Một thế kỷ sau, khi Trung Hoa đã là con sư tử vừa được đánh thức thì lời thách đấu của Muay Thái khiến nhiều người lo lắng. Tất nhiên, đây không còn là vấn đề "Quốc sỉ" nữa nhưng về mặt chuyên môn thì người ta có lý do để lo ngại. Thiếu Lâm vững vàng, Thiếu Lâm đỉnh cao nhưng còn đó một võ thuật Thiếu Lâm bảo thủ: Sau Không thủ đạo (karatedo), Muay Thái là khắc tinh cho môn phái võ thuật này.
Không thủ đạo, Muay Thái với những đòn chân khủng khiếp, những cú đá không cần chân trụ, những đòn gối "bẩn" mang uy lực kinh người… nhưng quan trọng nhất là lối đánh "vỗ mặt" là cái môn phái Thiếu Lâm thiếu.
Các cán bộ quản lý Bảo tàng Hoàng Phi Hồng cho tôi biết: Hầu hết các võ sư Trung Hoa một thế kỷ trước đều bị hạ sau loạt đòn đầu tiên. Võ thuật của thiền phái này không thể hình dung có người lại dùng đòn sát thương ngay đầu hiệp đấu. Nói thẳng ra đòn sát thương của võ thuật Thiếu Lâm rất ít, trong khi đó Muay Thái đã ra đòn là chờ đối thủ ngã.
Tôi còn nhớ vẻ mặt lo lắng của võ sư Ngọc Anh - Phó Chủ Liên đoàn võ thuật Việt Nam khi một võ sĩ của ta gặp võ sĩ Thái trong trận chung kết Muay Thái tại SEA Games 25 tại Lào. Sau đấy anh cho biết: Dù khi đưa vào thi đấu tại SEA Games, một số chiêu thức nguy hiểm đã bị cấm, vi phạm là bị loại ngay nhưng với các võ sĩ được đào tạo theo cách truyền thống, rất dễ ra đòn một cách bản năng, lúc ấy có thể giết tươi đối thủ ngay kể cả có đeo giáp đấu.
Một đòn đánh khủng khiếp nhất mà ông Ngọc Anh đọc bằng tiếng Thái (tất nhiên), tôi diễn giải nôm na như sau: Các vị cứ tưởng tượng mình đang gập người rồi ăn một cú đầu gối thẳng vào mỏ ác, cùng lúc lại phải "nhắm kèm" với một phát cùi chỏ ngay giữa sống lưng, người có bằng thép đi chăng nữa cũng xuôi xị, xuôi lơ thôi.
Thua để hiểu Thiếu Lâm hơn
Trở lại chuyện Phật Sơn, người ta nghĩ đến ngay kịch bản như nghìn năm nay Thiếu Lâm vẫn làm: Từ chối thách đấu! Phương án này khả dĩ cho cả hai bên, người thách đấu thì hể hả: "Bọn này sợ, không dám đấu với tớ", người không đấu cũng có thể nói theo kiểu AQ: "Bọn này đấu làm gì cho bẩn tay".
Nhưng cách xử lý của Trung Hoa mới đầy tính văn hóa Thiếu Lâm. Sau khi quần hùng võ lâm sôi lên vì lời thách đấu kia, Trung Quốc tuyến bố rằng: "Đây là cuộc thi đấu giao lưu võ thuật bình thường" và cử các võ sĩ của mình đến để khái niệm "Minh giáo" - "Tà giáo" không còn tồn tại trong giới võ thuật hiện đại. Nhưng những võ sĩ được cử đến đều đã được đào tạo "qua loa" tại Thiếu Lâm, thể thức thi đấu thì "chú thích, anh chiều", cho đấm, đá nhau thoải mái, không mặc giáp bảo vệ.
Nhà thi đấu Minh Châu Lĩnh Nam (nhà thi đấu này sau đó được dùng cho môn quyền Anh tại ASIAD 16) chứng kiến cuộc giao tranh vô tiền khoáng hậu này. Kết quả Muay Thái bị thảm bại thua 4/5 trận đấu, người ta còn đồn rằng, trận thua duy nhất của võ sĩ Trung Hoa là phép "lịch sự" của Thiếu Lâm. Có điều chắc chắn rằng, các võ sĩ Thái Lan sẽ hiểu hơn về một nền võ thuật mà trong đó quyền cước không phải là điều cơ bản.
Tại ASIAD 16, có mặt tại nhà thi đấu này, ông Ngụy Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở TDTT thành phố Phật Sơn cho biết: Thiếu Lâm (võ wushu) là môn thể thao phát triển nhất của thành phố, có 156 trung tâm dạy môn võ này với 90.000 người tập luyện mỗi ngày. Phật Sơn đã chính thức trở thành sân tập lớn của Thiếu Lâm trong tư tưởng Đại Trung Hoa rộng mở.
Riêng tôi chỉ thấy kính phục vì biết ở Phật Sơn có 90.000 người thấm nhuần tư tưởng Thiếu Lâm - một văn hóa Thiếu Lâm vĩ đại.
Nam Hải