Trong những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, các địa phương quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lực lượng kiểm lâm đã xử lý 167 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp (giảm 35,76%); tịch thu 246,510m3 gỗ quy tròn các loại (giảm 40,29 %); phương tiện tịch thu 14 chiếc; thu nộp ngân sách nhà nước 1.104.213 triệu (giảm 52,43%) so với cùng kỳ năm 2018; đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 1 vụ án hình sự.
Lực lượng kiểm lâm đi tuần tra, kiểm soát rừng trong những ngày Tết cận kề.
Trong năm 2019 đã tổ chức 195 lớp tuyên truyền tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp với 8.962 lượt người tham gia. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với Cảnh sát PCCC - CHCN (Công an tỉnh Thái Nguyên) tổ chức huấn luyện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng trang thiết bị phòng cháy tại các huyện, thành phố, thị xã.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 60 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Trong đó có 03 cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IB (Gấu, Hổ), còn lại là các cơ sở nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm IIB và thông thường như rắn, cầy, lợn rừng, rùa... Trong năm đã cấp 32 mã số cho các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo quy định. Phối hợp với Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng I và Tổ chức bảo vệ động vật Thế giới (WAP) tiến hành kiểm tra và gắn chíp điện tử cho Gấu nuôi nhốt trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công.
Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực phòng cháy chữa cháy rừng vào những tháng mùa khô, kịp thời ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tỉnh Thái Nguyên. Thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, PCCC rừng tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Nội, Vĩnh Phúc.
Những bước chân băng rừng vượt núi.
Có được những kết quả trên là do Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã đề ra những giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, Chi cục cũng chỉ đạo các Hạt kiểm lâm thường xuyên phân công cán bộ bám địa bàn để chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức cho người dân ký cam kết, xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng; phân công lực lượng thường trực 24 giờ/ngày, thường xuyên ứng trực, phát hiện sớm các vụ cháy rừng, tham mưu có hiệu quả cho chính quyền địa phương trong công tác chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, thôn… Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng Luật lâm nghiệp và phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến người dân đặc biệt là người dân sống gần rừng, trong rừng, trong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ… Tuyên truyền tập huấn 164 lớp với gần 8000 lượt người tham gia.
Cùng với việc bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có thì công tác phát triển rừng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trên địa bàn tỉnh đã trồng được 5.396,67ha rừng tập trung. Trong đó, trồng rừng phòng hộ là 405,80ha; trồng rừng sản xuất 4.990,87ha. (Trồng theo chương trình MTPTLNBV là 2.554,0ha/2.554,0ha đạt 100% kế hoạch; Trồng theo Chương trình dự án khác: 423,0ha; Người dân tự bỏ vốn ra trồng: 2.419,67ha). Trồng cây phân tán 682.740 cây (1000 cây/ha). Khoán bảo vệ rừng 32.478ha; chăm sóc rừng trồng 1.094ha đạt 100% kế hoạch năm. Tổ chức triển khai trồng rừng thay thế trên địa bàn 3 huyện Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ với tổng diện tích 83ha.
Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên.
Trao đổi với PV Dân Việt, Ông Vũ Văn Phán – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức nhằm hạn chế các vụ vi phạm Luật lâm nghiệp; chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng; thực hiện tốt công tác quản lý lâm sản trong khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến. Đồng thời, tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lâm nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất nội ngành, từng bước tự chủ về nguồn lực, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn đầu tư từ ngân sách; tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển cây Quế tại huyện Định Hóa…