Những ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các công nhân của gia đình anh Tuân đang tập trung thu hoạch cà chua để cung cấp cho các siêu thị. Dẫn phóng viên vào luống cà chua 4 tháng tuổi đang chín đỏ, anh Tuân cho biết, anh trồng cà chua theo dự án “Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng”. Dự án do Hội Nông dân tỉnh triển khai, hỗ trợ...
Anh Dương Ngọc Tuân bên những luống cà chua trồng theo hướng an toàn sinh học của mình.
“Tôi là một thành viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, vì vậy rất an tâm để thực hiện cũng như yên tâm về đầu ra cho cà chua sạch. Chính vì vậy, khi dự án được triển khai, tôi đã tiên phong trồng 4.000m2 cà chua theo hướng an toàn sinh học. Khi thực hiện, tôi được tập huấn về kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, hướng dẫn canh tác. Ngoài ra, HTX Tân Tiến cũng đã bao tiêu sản phẩm của chúng tôi tới các siêu thị Coopmart hay Metro với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, cao gấp 15 lần so với cách trồng cà chua thông thường”, anh Tuân cầm những quả cà chua nói.
Với cà chua trồng theo hướng an toàn sinh học, anh Tuân được các siêu thị thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Cũng theo anh Tuân, với giá bán cà chua như trên, cao gấp hơn 15 lần so với cách trồng cà chua ngoài trời của người dân các huyện lân cận như Đơn Dương, Đức Trọng…Tuy nhiên, số vốn của người dân trồng cà chua an toàn sinh học bỏ ra cũng không hề nhỏ. Để đáp ứng được yêu cầu của các siêu thị, anh Tuân phải bỏ ra chi phí làm nhà kính từ 120 – 180 triệu đồng/1.000m2 và đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động. Bên cạnh đó, với 1.000m2 anh Tuân chỉ trồng được khoảng 4.000 cây (1 cây giá 3.000 đồng), tiền giống tiêu tốn khoảng 12 triệu đồng cho diện tích trên. Chính vì vậy, việc bán được giá cao cho các siêu thị thì người dân phải bỏ số tiền lớn ra là điều tất yếu.
Tuy bán được giá cao nhưng việc đầu tư ban đầu để trồng cà chua sạch là rất lớn, đòi hỏi người nông dân phải mạo hiểm.
Ông ông Mai Văn Khẩn – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cho biết, cây cà chua thường bị 5 loại vi rút tấn công. Vì vậy, người trồng cần thường xuyên theo dõi, bảo vệ phòng chống vi rút lây lan gây hại hàng loạt. Quản lý dịch bệnh trên cây cà chua cần được người trồng đặt lên hàng đầu nhằm phòng chống, chăm sóc tốt để cây cho năng suất quả cao nhất. Hiện nay, với cà chua canh tác theo hướng an toàn sinh học, mỗi gốc cho thu hoạch 3kg quả/vụ, sản lượng cà chua big, cà chua bi khoảng 12 tấn/1.000m2/vụ.
Một đoạn thân cây cà chua bị sâu bệnh, buộc nhà vườn phải cắt ngang thân, phần sâu bệnh sẽ bị đưa ra ngoài tiêu hủy, tránh lây lan sang cây khác.
Vì cà chua được đưa vào bán tại các siêu thị lớn nên trung bình 1 tuần thì sẽ có nhân viên của siêu thị đến để kiểm tra vườn cà chua. Tuy nhiên, người kiểm tra vườn cà chua đến không báo trước, có thể 1 tuần, nhưng cũng có thể 2 – 3 ngày. Việc kiểm tra sẽ được lấy mẫu, sau đó dùng giấy quỳ hoặc mang mẫu đi phân tích sau đó trả kết quả. Nếu mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không đạt hay các chỉ số an toàn thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, siêu thị sẽ không lấy hàng trong đợt thu hoạch đó của nhà vườn. Chính vì thế, việc trồng cà chua theo hướng an toàn sinh học khá khó và người dân phải đảm bảo yêu cầu khắt khe, đặc biệt là hệ thống siêu thị.
Trồng cà chua sạch theo hướng an toàn sinh học khá khó và người dân phải đảm bảo yêu cầu khắt khe, đặc biệt là hệ thống siêu thị.
Theo Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, Dự án “Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây cà chua theo hướng an toàn sinh học tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng" được đơn vị triển khai nhằm tăng thu nhập cho người dân thông qua việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Dự án góp phần nâng cao được ý thức của người dân trong việc canh tác rau, củ, quả thực phẩm tại địa phương. Người dân buộc không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau, củ, quả thực phẩm, từ đó đảm bảo được sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng.