Dân Việt

Đào tạo nghề công nghệ cao: Có nghề, có việc làm

22/04/2012 08:41 GMT+7
(Dân Việt) - Trước thực trạng cạnh tranh về nhân lực có tay nghề trình độ cao (ở cả trong nước và nước ngoài), Bộ LĐTBXH đã xây dựng các đề án đầu tư trọng điểm trường nghề, các nghề trình độ cao.

100% học sinh có việc làm ổn định

Bỏ qua ngả đường vào đại học, Vũ Văn Quế (quê Bắc Giang) đã chọn con đường học nghề. Hiện Quế đang là sinh viên khoa Điện tử, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Em nhớ lại: “Học đại học tiếng thì “sang” nhưng không phải ai học xong cũng có được việc làm như mình mong muốn. Trong khi đó bạn bè em nhiều người học nghề xong có việc làm ngay nên em chuyển sang đi học nghề ở trình độ cao đẳng. Đến nay, em đã có tay nghề vững chắc, một số doanh nghiệp đã đến trường mời về làm việc với mức lương đảm bảo cho cuộc sống và có cơ hội học tập tốt hơn”.

img
Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.

Đó cũng là suy nghĩ của nhiều sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Năm 2012, trường này đào tạo 1.500 học viên theo 3 cấp trình độ là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề với 5 khoa, 1 trung tâm và 18 ngành nghề đào tạo… trong đó có 3 nghề đạt chuẩn quốc tế là điện tử công nghiệp, cơ điện tử và công nghệ thông tin ứng dụng phần mềm; 2 nghề đạt chuẩn ASEAN là thiết kế đồ họa, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp.

Ông Khổng Hữu Lực – Trưởng phòng Đào tạo của trường khẳng định: Hiện nay, những nghề công nghệ cao được nhà trường hết sức chú trọng đầu tư trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế; sinh viên được vẽ và thiết kế trên máy tính; thực hành tiện, máy cắt, đột dập CNC và rô bốt hàn dùng trong sản xuất... “Xưa nay không ai nghĩ học nghề cũng có trình độ cao đẳng, đại học. Hơn nữa tâm lý của học sinh, và cả của cha mẹ học sinh là thích mác sinh viên. Vì thế, ít người để ý tới học nghề trình độ cao. Tuy nhiên, thực tế 100% học sinh học nghề có việc làm ổn định khiến nhiều em bắt đầu có suy nghĩ khác về học nghề”- ông Khổng Hữu Lực chia sẻ.

Đầu tư mạnh để đào tạo thợ giỏi

Định hướng của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đang đi theo xu hướng mới mà Bộ LĐTBXH bắt đầu triển khai trên dịên rộng. Đầu năm 2012, Bộ này ban hành Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH quy định 120 nghề trọng điểm và hơn 100 trường nghề được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Trong đó có 30 nghề đào tạo theo cấp độ quốc tế, 58 nghề theo khu vực ASEAN.

Các trường được đầu tư đào tạo nghề công nghệ cao hiện đang thực hiện nhiều “chiến dịch” tuyển sinh học sinh học nghề. Tuy nhiên, sự chú ý của học sinh vào khối trường này vẫn thấp và bị lấn át bởi khối thông tin đồ sộ hàng năm về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ.

Cũng theo quyết định này, hơn 100 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập được hỗ trợ đầu tư đào tạo nghề. Những địa phương có nhiều trường nghề được duyệt là: Hà Nội (19); Thanh Hóa, Nghệ An (12); TP.HCM, Hải Phòng (11); Ninh Bình, Bình Dương (9 trường)... Trong số danh mục các nghề chất lượng cao được đầu tư máy móc, thiết bị để đào tạo nhân lực trình độ khu vực, có rất nhiều nhóm nghề liên quan tới nông nghiệp như chế biến thuỷ sản, trồng các loại cây đặc sản…

Tuy nhiên, thực tế là học sinh vẫn không thích học các nghề “chân lấm tay bùn” và nghề dầu mỡ (cơ khí). Ông Đỗ Trí Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Đa phần các em khi đăng ký trường nghề đều có một tâm lý học cho có nghề nên chọn nghề nhẹ nhàng như điện tử, thiết kế… Các ngành nặng nhọc như cơ khí hầu hết năm nào nhà trường cũng thiếu chỉ tiêu tuyển sinh”.

Để thu hút sinh viên đăng ký vào các trường nghề, một số trường đã có những chính sách ưu đãi đối với sinh viên tham gia học như tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên theo học ngành cơ khí; Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội hỗ trợ học phí 10 triệu đồng/năm đối với học sinh nội thành…