Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan.
Dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đăng Quang và các cộng sự, kết thúc năm tài chính 2019, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn đạt 37.354 tỷ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỷ đồng trong năm 2018.
Theo lý giải của đại diện Tập đoàn Masan, việc doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm do chịu tác động từ sựut giảm doanh thu của một số công ty con. Trong đó, doanh thu thuần của Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) giảm 31,4%, từ mức 6.865 tỷ đồng trong năm 2018 xuống còn 4.706 tỷ đồng trong năm 2019 do giá vonfram giảm 22% và trì hoãn việc bán đồng, tuy nhiên được bù đắp một phần nhờ doanh số bán Florit cao hơn.
Với Masan MeatLife, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi đối với hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc, doanh thu năm 2019 của doanh nghiệp đạt 13.799 tỷ đồng, giảm 1,3% so với mức doanh thu 13.977 tỷ đồng của năm 2018. Rất may mắn, sự sụt giảm của thức ăn gia súc được bù đắp nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Theo dự báo của Masan, ngành thịt sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng năm 2020 của Masan MeatLife.
Tuy nhiên, bên cạnh sự sụt giảm về doanh thu của 2 công ty kể trên, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Corp) đã trở thành điểm sáng khi ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 8,6%, lên 18.845 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này càng thêm phần ý nghĩa với Masan Consumer khi các phát kiến ra mắt năm 2019 đang trên đà tăng trưởng, nhưng chưa đóng góp vào doanh thu năm 2019 theo kế hoạch.
Về lợi nhuận, lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho Cổ đông trong các hoạt động kinh doanh chính (“Core NPATMI”) của Tập đoàn Masan tăng trưởng 12,7%, lên mức 3.907 tỷ đồng trong năm 2019. Theo lý giải của đại diện Masan, đây là khoản lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh chính loại trừ các khoản thu nhập một lần là 1.472 tỷ đồng trong quý II/2018 chủ yếu đến từ giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank do kết quả của việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông mới với giá trị lớn hơn giá trị cổ đông hiện tại đang sở hữu và kết quả ròng từ các hoạt động khác.
Ngoài ra, lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh chính cũng loại trừ khoản thu nhập một lần thuần trị giá 1.651 tỷ đồng từ Masan Resources vào quý III/2019 do dàn xếp vụ kiện trọng tài quốc tế giữa NPMC với Jacobs.
Còn lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho Cổ đông (“Reported NPATMI”) trong năm 2019 của Masan là 5.557 tỷ đồng, tăng 13,0% so với mức 4.916 tỷ đồng trong năm 2018.
Thương vụ sáp nhập VinCommerce ghi dấu cái bắt tay giữa tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Ảnh minh hoạ).
Đối với thương vụ sáp nhập VinCommerce, theo đại diện Masan, ngày 31/12/2019, hai bên đã hoàn tất sáp nhập Masan Consumer Corp và VinCommerce để thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
Trong đó, Masan là cổ đông nắm 70% cổ phần của công ty mới. Công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer Corp và 83,7% cổ phần VinCommerce. Đồng thời, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động của công ty mới.
Với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang đã có những chia sẻ chia sẻ xung quanh thương vụ này.
“Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VinCommerce vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan. Hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng, tuy nhiên việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi đang trở thành những nhu cầu cơ bản. Chính vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VinCommerce với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội để chúng tôi xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng. Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hàng ngày, nhưng trong tương lai, đó sẽ là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất”.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, trên tất cả, Masan sẽ xây dựng một thương hiệu mạnh, thể hiện được giá trị xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu dùng để khách hàng thêm tin tưởng và yêu mến.
“Nhiều người nói ngành bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác, nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội cho người tiêu dùng, và đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi. 2020 là năm chúng tôi sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này, không chỉ tập trung vào các kế hoạch dài hạn, mà còn nỗ lực mang đến giá trị vượt trội cho người Việt Nam và các cán bộ công nhân viên Masan”, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết.
Đối với các mục tiêu của VinCommerce trong năm 2020, phía Masan dự kiến sẽ đóng cửa từ 150 – 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng. Đồng thời, tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận.
Về bài toán kinh doanh của VinCommerce, Masan sẽ vạch lộ trình cụ thể hướng đến mục tiêu hòa vốn ở mức độ EBITDA. Cụ thể, tăng tỷ suất lợi nhuận gộp ngang bằng với thị trường, tăng lưu lượng hàng hóa qua trung tâm phân phối trung tâm nhằm giảm chi phí logistics và tối ưu hóa chi phí SG&A nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn.