Ngày 22/1, ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường mở Tết Canh Tý 2020 đã khép lại mà không có trường hợp nào tiếp cận đến nguồn vốn Ngân hàng Nhà nước treo sẵn để hỗ trợ hệ thống cân đối thanh khoản.
Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm khoảng 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Hay những năm trước, có những ngày cao điểm, Ngân hàng Nhà nước phải bơm ròng mỗi ngày lên tới 10.000 – 15.000 tỷ đồng, khiến số dư lên tới 150.000 tỷ đồng, để hỗ trợ hệ thống ngân hàng đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả.
Không phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, Nhà hàng Nhà nước còn hút ròng 15.000 tỷ trong 3 ngày cận tết Canh tý 2020
Tuy nhiên, kết thúc năm 2019 và dịp Tết Dương lịch, hệ thống ngân hàng đã không cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đồng nào thanh khoản. Thậm chí còn hút tiền về, đây là hiện tượng chưa từng có trong hệ thống ngân hàng trong mùa cao điểm của rút tiền và chi trả.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị các phương án để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng (nếu cần), tuy nhiên, thay vì bơm tiền hỗ trợ, Nhà điều hành tiền tệ còn phải hút tiền về.
Theo đó, liên tiếp 3 ngày (20 - 22/1), Ngân hàng Nhà nước đã hút bớt tiền về qua hoạt động đấu thầu trên thị trường mở (OMO). Cụ thể, mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước hút về xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, nâng số dư vốn tạm thời rút bớt khỏi thị trường và "cất kho" lên gần 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước từ từ 2,8%/năm xuống 2,69%/năm, kỳ hạn vẫn giữ 91 ngày.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2019 hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản, mặc dù có thời điểm biến động như hồi tháng 8/2019, nhưng đó chỉ mang tính thời điểm. Mặc dù trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt giảm lãi suất vào tháng 9/2019 và tháng 11/2019 nhưng độ trễ của tác động đã rút ngắn. Hay nói cách khác, việc giảm lãi suất đã ngấm dần vào thị trường.
Với sự chủ động thanh khoản, tự cân đối nguồn vốn tốt của hệ thống ngân hàng cùng với sự trở lại của dòng tiền sau Tết nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở thuận lợi để bình ổn lãi suất huy động và cho vay trên thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp).
Về hiện tượng ùn ứ tại ATM, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 2 ngày 21 và 22/1/2020 (tức ngày 27 và 28/12 âm lịch) đã có sự gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM so với ngày thường, qua đó xuất hiện tình trạng ùn ứ người dân xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở một số khu công nghiệp.
Trước tình hình đó, ngay trong ngày 22/1/2020, ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, Thống đốc NHNN đã ban hành Công điện số 01/CĐ-NHNN về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán 2020 với mục tiêu quyết liệt để không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán và rút tiền chi tiêu Tết của nhân dân.
Theo đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị liên quan đặc biệt TCTD tổ chức, bố trí cán bộ trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); Tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động) và triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng,…); đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền qua ATM cũng như nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng; Phân công cán bộ trực hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM; ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp máy ATM nuốt thẻ của khách hàng; nhanh chóng tra soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại của khách hàng.
Theo số liệu thống kê của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM ngày cao điểm (dịp cận Tết) gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho biết, giao dịch chuyển mạch qua ATM ngày cao điểm (như dịp cận Tết) lên tới 2 triệu món, gấp hơn 2 lần so với ngày thường; tổng chuyển mạch toàn hệ thống qua ATM tới gần 5 triệu món, gấp hơn 2 lần so với ngày thường.