Như chúng ta đã biết, các vị hoàng đế Trung Quốc cổ xưa ở thời đại nào cũng có tam cung lục viện, hậu cung ba ngàn mĩ nữ là điều bình thường. Ngay cả những bậc đế vương vĩ đại như Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông…cũng nuôi một hậu cung mỹ nữ nhiều vô kể. Tuy nhiên, lịch sử Trung Quốc vẫn ghi nhận hai trường hợp ngoại lệ. Hai vị hoàng đế duy nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc chỉ lấy hoàng hậu là người phụ nữ duy nhất trong đời.
Tây Ngụy Phế Đế, tên húy là Nguyên Khâm (525-554), ông là con trai cả của Văn đế Nguyên Bảo Cự của triều đại Tây Ngụy, mẹ là hoàng hậu Ất Phất Thị. Ông là hoàng đế thứ hai của Tây Ngụy trong các triều đại phía Bắc và Nam, và trị vì vào năm 551-554.
Người vợ duy nhất của hoàng đế Nguyên Khâm là Vũ Văn Vân Anh (? -554). Trong sử ký Trung Quốc không có nhiều ghi chép về vị hoàng hậu này. Người đời chỉ biết bà là con gái lớn của Vũ Văn Thái, thượng trụ của triều đại Tây Ngụy.
Có thể nói Nguyên Khâm và Vũ Văn Vân Anh vốn là một cặp thanh mai trúc mã. Hai người họ có cùng sở thích và tình cảm yêu thương sâu sắc. Theo sự sắp đặt của Vũ Văn Thái, bà kết hôn với Nguyên Khâm khi ông là một hoàng tử và trở thành công chúa. Sau khi Nguyên Khâm được lên ngôi vua, bà tiếp tục làm hoàng hậu. Hoàng đế Nguyên Khâm không những vì hoàng hậu mà không lập hậu cung, mà còn không nạp thêm bất kỳ một phi tần nào khác. Trong hoàng cung chỉ có duy nhất một hoàng hậu là Vũ Văn Vân Anh. Đây là trường hợp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử hoàng gia Trung Quốc. Năm 554, Nguyên Khâm bị Vũ Văn Giác phế truất và sau đó bị đầu độc. Vũ Văn Vân Anh sau đó cũng đã tự sát theo chồng. Cái chết của bà để bảo vệ sự trung trinh với vị hoàng đế đầu tiên thực hiện chế độ “một vợ một chồng” trong lịch sử Trung Quốc, thể hiện tình yêu sâu sắc với Nguyên Khâm.
Trương hoàng hậu (1471-1541) hay còn gọi là Hiếu Thành Kính hoàng hậu, sinh ra ở Hưng Tế, tỉnh Hà Bắc. Bà là là Hoàng hậu duy nhất của Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường. Cha của bà là Trương Loan, mẹ là Kim phu nhân. Thời trẻ bà thành thạo thư pháp, có tính cách vui vẻ, và thông thạo cả hội họa. Với nhan sắc mỹ lệ, bà được tuyển làm phi cho Thái tử Chu Hựu Đường, sắc phong Đông cung Hoàng thái tử phi chính vị Trữ phi vào năm Thành Hóa thứ 23 (1487). Bà được biết đến là Hoàng hậu duy nhất sống theo chế độ một vợ một chồng cùng Hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc.
Cha của Minh Hiếu Tông là hoàng đế Minh Hiến Tông. Trước khi ông ra đời, Minh Hiến Tông đã có Vạn Quý phi, là một phi tần nổi tiếng trong lịch sử trung quốc vì sự thâm độc của mình. Để độc chiếm sự sủng ái từ hoàng đế, Vạn Quý Phi đã tìm mọi cách hãm hại các phi tần của vua, không để cho họ có cơ hội sinh con cho vua. Mẹ ruột của Minh Hiếu Tông cũng đã phải trả giá cho cuộc sống của mình. Mẹ ruột của ông ban đầu là một cung nữ, bị giữ trong lãnh cung, sau đó đã sinh ra Chu Hựu Đường, chính là Minh Hiếu Tông sau này. Minh Hiếu Tông nhờ được giúp đỡ nên mới sống sót thoát khỏi mưu kế của Vạn Quý phi. Sau khi kế vị, ông biết rằng cuộc sống sẽ không dễ dàng gì, và ông không muốn nhìn thấy những người phụ nữ vô tội tiếp tục chịu số phận giống của mẹ ruột mình. Ông đã thực hiện chế độ một vợ một chồng.Minh Hiến Tông thực sự yêu quý và tôn trọng Trương hoàng hậu, ông chỉ lấy duy nhất một hoàng hậu trong đời. Là một hoàng đế với quyền lực tối cao, điều này thực sự trở thành điểm độc đáo trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.