Dân Việt

Những điều mong đợi cùng Xuân

 Hoàng Trọng Thủy 25/01/2020 08:40 GMT+7
Những ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý, người nông dân thay chiếc áo mặc trên mình sau một năm oằn mình với công việc; trút bỏ những nỗi buồn, những lo toan…, để đón Xuân, vui Xuân, bày tỏ khát vọng và những điều mong đợi cùng Xuân.

Trong sân nhà văn hóa làng, mấy bác chủ trang trại cùng nhóm nam trung niên chúc tết, hỏi nhau chuyện trồng rừng, đi biển, nuôi lợn, sắm sửa xuân... Đám trẻ choai hí hửng ôm trái bóng, chuẩn bị cho trận đấu “Cup làng”. Cánh thanh niên, sinh viên ở khắp ngả về, bàn câu chuyện mở lớp “khuyến tin”, dạy cách lập website cho tổ hợp tác, chủ trang trại, câu lạc bộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn…

Câu chuyện “tam nông” ngày đầu năm, tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng mở ra lại là câu chuyện lớn của nông dân, nông thôn, nông nghiệp Việt Nam trước vòng xoáy của thị trường hiện đại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – 4.0 toàn cầu – Mà ở đó, tại đây “tam nông” Việt Nam như đứng trước ngã ba đường: Quay lại truyền thống thì nghèo nàn, lạc hậu; đi lên công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì vướng đất đai, thiếu nhân lực chất lượng cao và nguồn lực vật chất đủ đầy. Thế nên, không còn con đường nào khác! Nông dân với Đảng phải chung lo, tìm ra lối đi riêng cho Nông nghiệp hiện đại, Nông thôn mới bền vững và An sinh, phúc lợi cho con người thêm đầy đặn…

Kiểm chứng một chặng đường qua: Khi Nhà nước cần gạo – nông dân làm dư thừa gạo. Nhà nước cần mía đường – nông dân làm ra thừa mía, thừa đường. Nhà nước cần cá, tôm xuất khẩu – nông dân làm ra cá, tôm xuất khẩu. Vậy, năm mới thế nào? Khi khát vọng và mong đợi của nông dân đã hội tụ đủ thành yếu tố “cần”, được trao gửi đến Đảng, Nhà nước “làm” trong năm 2020 - năm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII” với nhiều kỳ vọng:

Trước hết là công bằng trong phân bổ nguồn lực, tăng nguồn lực đầu tư cho thuận chiều với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Bởi nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước là một quyền năng trong quản trị, để  biến tiềm năng thành động năng cho thay đổi và phát triển “tam nông”.

 Thứ hai, trong mỗi ngành hàng nông sản thế mạnh được lựa chọn, phải phát triển đồng bộ từ sản xuất, chế biến thương mại, cơ sở hạ tầng đến cơ chế chính sách và khoa học - công nghệ… là nền tảng tạo ra giá trị sinh lời, tăng thu nhập và đảm bảo đủ đầy an sinh, phúc lợi cho nông dân.

Thứ ba, phải cách tân và làm mới thể chế; trong đó đất đai, quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận thông tin là yếu tố hàng đầu với việc chấm dứt cơ chế xin – cho; hỗ trợ năng lực người nông dân liên kết thành HTX, tổ hợp tác cùng doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, theo đường đi của nông sản, ngành hàng.

Những cánh cửa nhà đã bung mở, những sản vật quý từ lúa ngô, khoai, tôm cá… được làm thành mâm cỗ, dâng cúng lên trời đất và tổ tiên. Người nông dân cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, biển yên sóng lặng, rừng thêm xanh và phúc lộc đến muôn nhà.

Được đứng giữa sương mai của một ngày, giữa đêm trăng sáng của một mùa, giữa màu hoa đẹp nhất của một năm… thật thú vị khi nhìn lên phía trước, những khát vọng của nhà nông đang tiếp tục mở ra, những mong đợi sẽ trở nên hiện thực.

Xuân Canh Tý đã về!