Dân Việt

Máy ngoại vẫn thống lĩnh máy nội: “Bó tay” vì thiếu tiền

05/03/2012 13:58 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Bộ Công Thương và nhiều doanh nghiệp, thị trường máy nông nghiệp của ta bị nước ngoài thống lĩnh căn bản do thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Hỗ trợ lãi suất... trên giấy

Là 1 trong 7 doanh nghiệp được hỗ trợ từ Quyết định 63 (nay là 65) về hỗ trợ lãi suất sản xuất máy móc, nhưng ông Phạm Hoàng Thắng- Giám đốc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng (Cần Thơ) bức xúc cho biết: “Đến giờ chúng tôi chưa vay được đồng nào theo chính sách Nhà nước đã ban hành. Khi chúng tôi tới hỏi ngân hàng được họ trả lời chưa có hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước”.

img
Máy nông nghiệp nội đang hoàn toàn lép vế trước máy ngoại.

Theo ông Thắng, từ khi có Quyết định 63, công ty đã bán được 10 máy gặt đập liên hợp cho nông dân, mỗi máy trị giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 4 máy ở Thanh Hoá chưa giải ngân được, tương đương hơn 1 tỷ đồng nợ đọng vốn. “Lúc đầu, người dân mua máy theo thủ tục đặt cọc 30 triệu đồng, nhưng ngân hàng nói muốn giải ngân phải xuất hoá đơn. Tôi xuất hoá đơn xong, ngân hàng lại yêu cầu phải nhìn thấy máy, trong khi người dân đến thời vụ nên tôi chuyển máy cho khách hàng trước”. Cứ thế, thủ tục lòng vòng hết nơi này qua nơi khác...

Cơ sở máy gặt đập liên hợp Vạn Phúc (Đồng Tháp) cũng trong hoàn cảnh tương tự như Hoàng Thắng. Ông Phan Tấn Phát - chủ cơ sở cho biết: “Năm 2011, có hơn 20 khách hàng đăng ký mua máy gặt đập liên hợp, nhưng ngân hàng chỉ hỗ trợ cho vay 80% giá trị máy, 20% khách hàng phải tự có vốn đối ứng. Cuối cùng, cơ sở chỉ bán được 8 máy, số còn lại khách hàng rút đơn về vì không đủ tiền. Riêng doanh nghiệp, đến giờ chưa được vay một đồng vốn ưu đãi nào”.

Yếu toàn diện!

Ông Phạm Văn Liêm- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá: “Thị trường máy móc nông nghiệp trong nước không thể phát triển có nguyên nhân cơ bản là chất lượng máy nông nghiệp của chúng ta hiện nay chưa cao, trình độ sản xuất, thiết kế còn yếu. Mặt khác, máy nhập khẩu không chính thức cũng tràn về VN rất nhiều, không qua kiểm soát dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với máy móc sản xuất trong nước, trong khi các doanh nghiệp đang phải chịu đủ loại thuế, phí, nên không thể cạnh tranh nổi”.

img Cùng chủng loại thì máy sản xuất trong nước đắt hơn máy của Trung Quốc từ 15-20%. Nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất lớn, các DN sẽ có điều kiện sản xuất hàng loạt để giảm giá sản phẩm, cạnh tranh với hàng Trung Quốc. img

Ông Phạm Văn Liêm
- Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách công nghiệp

Cũng theo phân tích của ông Liêm, vấn đề mấu chốt hiện nay là do "cầu" về máy nông nghiệp của chúng ta hiện còn quá thấp do nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Đúng ra trong bối cảnh như vậy, Nhà nước nên đứng ra hỗ trợ và có nhiều chính sách ưu đãi hơn để phát triển sản xuất máy nông nghiệp, vì đây là cách để hỗ trợ gián tiếp nông dân như kinh nghiệm nhiều nước đã làm. Chẳng hạn như Nhật Bản hỗ trợ 1/3 đến 1/2 giá máy và cho hưởng lãi suất ưu đãi 3% (trong khi lãi suất thị trường là khoảng 10%).