Dân Việt

Hàng quán “đội giá” ngày Tết, người lao động “khóc ròng”

Thanh Phong 28/01/2020 16:30 GMT+7
Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều quán bún riêu, ốc, hàng ăn nhẹ bán xuyên Tết tăng giá lên cao “ngất ngưởng”. Theo chia sẻ của một số lái xe taxi, tài xế công nghệ, việc các hàng quán tăng giá lên quá cao khiến phần lớn thu nhập hàng ngày chỉ đủ để ăn.

Nhiều năm trở lại đây, nắm bắt tâm lý chán cỗ bàn ngày Tết, muốn tìm đồ ăn “giải ngấy” của đại bộ phấn người dân, ngay từ ngày mùng 1 Tết, nhiều quán bún riêu, bún ốc... hàng ăn nhẹ kinh doanh đã tổ chức kinh doanh.

Theo thông lệ từ các năm trước, giá cả của các hàng bún, quán ăn nhẹ tăng mạnh trong dịp Tết. Cụ thể, nhiều quán thu từ 50.000 đồng một bán bún ốc trở lên, đắt gần gấp đôi ngày thường.

Cá biệt, theo anh Trần Việt Hưng, một tài xế công nghệ chia sẻ, trong thời gian chạy xe dịp Tết Canh Tý 2020, có lúc, anh đã phải trả tới 70.000 đồng cho một bán bún ốc.

img

Nhiều hàng bún riêu, ốc, quán ăn nhẹ tăng giá trong dịp nghỉ Tết Canh Tý 2020

“Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên phải ăn tại các hàng ngoài đường, việc các quán bún ốc tăng giá trong ngày tết cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu ngày thường ở mức 30.000 đồng thì ngày này chỉ nên tăng lên khoảng 40.000 đến 50.000 đồng. 

Vào ngày mùng 3 Tết, sau khi ăn xong một bát bún trên phố Hồ Tùng Mậu gần trường đại học Thương Mại, tôi rất giật mình khi phải trả tới 70.000. Với việc chi phí ăn một ngày hết từ 100.000 đến 200.000 đồng như hiện nay, thu nhập từ việc chạy xe hàng ngày của tôi chắc chỉ đủ để ăn.” Anh Hưng chia sẻ.

Giống như anh Hưng, chị Ngọc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng cho biết, sau khi đi ăn bún ốc ngày Tết ở Cầu Gỗ, chị có cảm giác như bị lừa. “Bát bún có 3 con ốc, 3 miếng thịt bò mỏng dính,… có giá tới 90.000 đồng. Khi tôi hỏi thì chủ quán nói do giá nguyên liệu cao nên bún mới đắt”.  

Ngoài ra, một số thực khác cũng cho biết, quán mỳ gà tần tại phố Hàng Bồ dù đề biển 30.000 đồng/bát nhưng khi thanh toán chủ hàng thu giá tới 70.000 đồng/bát. 

Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay, việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán không niêm yết giá hoặc, bán giá cao hơn giá niêm yết có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.  

“Theo Điều 2 Luật Giá năm 2012, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hoặc có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.” Ls. Tâm thông tin.

Cụ thể, theo khoản 1, 2, 3 Điều 12 Nghị định 109/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016), hành vi vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ như sau:

Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

img

Hàng quán không niêm yết hoặc bán giá cao hơn niêm yết có thể bị xử phạt hành chính

Phạt tiền từ 5.000.000-10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Người dân khi phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh bán giá cao hơn giá niêm yết thì có thể báo cho cơ quan có thẩm quyền như: Cục Quản lý thị trường, UBND các cấp, công an… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân.

Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính tới ngày mùng 4 Tết (28/1), giá các mặt hàng thực phẩm nguyên liệu đều duy trì ở mức ổn định, không có tình trạng tăng giá bất thường.