Dân Việt

Cầu Đất-nơi Sơn Tùng từng quay MV nhộn nhịp hái cà phê thuê

Phong Vân 30/01/2020 06:25 GMT+7
Khi cà phê ở tỉnh Lâm Đồng đã vào cuối vụ thì tại vùng Cầu Đất (thành phố Đà Lạt) mới bắt đầu chín rộ, người làm công ở các nơi đổ xô về đây để hái thuê, tạo nên các chợ lao động nhộn nhịp.

Kiếm chục triệu mỗi tháng

Những người làm thuê này đến từ nhiều vùng đất khác nhau, có người từ miền biển, đồng bằng. Mỗi người đều có số phận khác nhau, nhưng lại có điểm chung là vì cuộc sống mưu sinh họ phải rời xa mảnh đất quê hương để mong thay đổi cuộc đời mình. Cuộc sống của họ trăm bề khó khăn, không có gì ngoài công lao động được tính bằng ngày, bằng sản phẩm mình làm ra cho chủ.

img

Nhân công các nơi đổ về vùng Cầu Đất để hái cà phê thuê. Ảnh: Phong Vân

Tại rẫy của anh Nguyễn Văn Bảy (42 tuổi, thôn Phát Chi, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt), với hơn 3 ha cà phê cartimor đang chín rộ, anh phải thuê người đến hái. Chủ rẫy cho biết, khu vực này cứ khoảng đầu tháng 12 trái cà phê bắt đầu lác đác đỏ, sau hơn 2 tuần thì chín, đây cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch.

“Hầu hết bà con ở đây đều phải thuê nhân công cho kịp vụ mùa. Họ thường là dân lao động từ miền Trung, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Rẫy của tôi thuê 15 nhân công thu hoạch”, anh Bảy cho biết.

Để tạo điều kiện cho người làm thuê, những người chủ đã cho họ ở căn chòi cất sẵn trong rẫy, ở đó có đầy đủ giường ngủ, bếp nấu ăn được sinh hoạt giống như một gia đình. Anh Nguyễn Văn Hậu (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) nói: Chủ thương tụi mình lắm, có cái gì ngon đều đem tới cho, xem mình như người trong nhà. Gia đình có 7 người, 2 đứa lớn đã lấy vợ, lấy chồng, còn 3 đứa nhỏ, chúng đều đã nghỉ học nên mình dẫn vợ con lên đây làm thuê.

Anh cho biết: Ở đây người chủ yêu cầu chúng tôi phải lựa cà phê chín để hái nên được trả công khá cao, khoảng 2.500 đồng/kg. Để hái cà phê nhanh thì phải đeo bao tay dày, những quả nào chín thì tuốt, quả xanh thì chừa lại, khi vặt quả cũng phải khéo tay để không làm gãy cành, rụng lá xanh. Trung bình mỗi người hái được 150-250 kg cà phê trong ngày.

Vừa hái xong luống cà phê, chị Churu Ka Blê (xã Próh, huyện Đơn Dương) ngồi xuống nghỉ ngơi uống nước. “Chủ rẫy trả theo số lượng nên ai cũng phải làm nhanh. Công việc này không cần chuyên môn nhưng mất nhiều sức, ai khỏe mới làm được. Mình chăm chỉ thì một ngày cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng”, chị Churu Ka Blê cho biết.

Cà phê hái từ sáng đến chiều, kết thúc giờ làm, những người làm thuê sẽ vác từng bao tải trái nặng về điểm tập kết cân để chủ trả tiền.

Hết rẫy này họ lại đến nơi khác hái tiếp vì nhu cầu nhân công cao. Mùa thu hoạch thường kéo dài nhiều đợt, đến qua tết mới hết, tính ra mỗi người có thể kiếm được hơn chục triệu mỗi tháng.

Chợ lao động xứ cà phê

Gần tết, một “làn sóng” người từ mọi miền tới Cầu Đất để bán sức lao động. Sáng sớm, tầm 6 giờ, không ai hẹn ai, hàng chục, có khi hàng trăm con người tập trung tại Ngã 3 chợ Phát Chi, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt để chờ người tới kêu công đi làm.

Dần dà biến nơi đây trở thành chỗ tập trung của đa số người làm thuê, hình thành nguồn cung lao động hay nói như người dân ở đây gọi là “chợ lao động”.

“Không chỉ có người làm thuê đang tạm trú ở xã mà cả những người làm thuê từ các xã lân cận cũng tới tụ họp ở đây để tìm việc. Các chủ vườn cà phê có nhu cầu tới đây tìm lao động, vì vậy mà hình thành chợ lao động cho cả vùng”, chị Phan Thị Hoa, chủ hàng tạp hóa ở chợ Phát Chi cho biết.

Nhu cầu lao động ở những vùng cà phê là khá lớn bởi do công lao động tại chỗ không có. Theo thống kê của cán bộ Lao động - Thương bình & Xã hội xã Trạm Hành, diện tích cà phê của xã vào khoảng hơn 3.000 ha và hằng năm trên địa bàn có hàng ngàn người dân các nơi đổ về đây làm thuê cho các chủ vườn cà phê.

Người hái cà phê thuê chủ yếu làm theo hình thức khoán sản phẩm, mỗi kg cà phê được khoảng 2.400 đồng, và một ngày như thế họ kiếm tùy vào sức lao động của mình trung bình khoảng 500.000 đồng/ngày. Tuy tập trung đông người nhập cư, nhưng họ vẫn tuân thủ pháp luật, những vấn đề liên quan tới an ninh - trật tự của xã luôn được đảm bảo.