Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX) của ông chủ 8X Nguyễn Văn Tuấn – doanh nhân sinh năm Giáp Tý vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với doanh thu và lợi nhuận diễn biến trái chiều trong quý này.
Gánh “hậu quả” từ vụ nước sinh hoạt nhiễm bẩn
Cụ thể, doanh thu thuần quý IV/2019 đạt gần 4.311 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp cũng tăng 7,1% lên mức 718 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 16,6%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Gelex trong kỳ chỉ đạt gần 201 tỷ và 145 tỷ đồng, “bốc hơi” hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 137 tỷ đồng, cũng giảm 31%.
Theo lý giải của Gelex, lợi nhuận sau thuế quý IV giảm 163,7 tỷ đồng, tương đương giảm 53,02% so với quý IV/2018 chủ yếu do hai nguyên nhân.
Thứ nhất, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco - công ty con của Gelex) xảy ra sự cố dẫn đến phát sinh chi phí khắc phục và miễn thu tiền nước 01 tháng đối với người dân sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà.
Được biết, Viwasupco do Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex sở hữu 60,46% vốn. Năng lượng Gelex lại do Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam của ông chủ 8X Nguyễn Văn Tuấn sở hữu 100%. Trong quý IV vừa qua, Viwasupco báo lỗ gần 56 tỷ đồng trong khi quý IV/2018, công ty này có lãi hơn 65 tỷ đồng. Trong quý liền trước (quý III/2019), Viwasupco cũng có lãi tới 72,4 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 10/2019, nhiều người dân khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội phát hiện thấy nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi khét rất lạ. Các cơ quan chức năng sau khi xét nghiệm mẫu nước đã thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Nguyên nhân của hiện tượng này là có người đã đổ trộm dầu thải xuống nguồn nước đầu vào của nhà máy Nước sạch Sông Đà.
Ngày 25/10/2019, Viwasupco phát đi thông cáo chính thức về vụ việc, cho biết công ty đã hoàn tất khắc phục và đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng, đồng thời đã xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc qua đó đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm.
Viwasupco cho rằng hành vi đổ lượng lớn dầu thải vào nguồn nước trong khi công ty chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp đã dẫn đến lúng túng trong cách xử lí ban đầu. Do đó, Viwasupco đã xin lỗi khách hàng và miễn phí một tháng tiền nước trong thời gian xảy ra sự cố.
Như vậy có thể thấy, kết quả kinh doanh sa sút của Viwasupco trong quý xảy ra sự cố nguồn nước Sông Đà đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến con số lợi nhuận hợp nhất của Gelex.
Ngoài ra, việc lợi nhuận tại DN của Nguyễn Văn Tuấn sụt giảm còn do chi phí tài chính quý IV của doanh nghiệp này tăng 79% do các hoạt động mở rộng đầu tư, mặt khác doanh thu tài chính lại giảm gần 23% do không phát sinh các khoản lãi từ chuyển nhượng cổ phần và đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào công ty con như quý IV/2018.
Lợi nhuận sa sút, tăng vay nợ
Lũy kế cả năm 2019, Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn đạt doanh thu thuần 15.314 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, lĩnh vực thiết bị điện vẫn tiếp tục dẫn đầu với gần 12.792 tỷ đồng. Tiếp theo là mảng cung cấp dịch vụ vấn tải và khi vận cung cấp (1.628 tỷ) và doanh thu sản xuất và kinh doanh năng lượng bao gồm điện và nước mang về 717 tỷ đồng.
Trong năm, do doanh thu hoạt động tài chính giảm 55%; chi phí tài chính tăng 54%; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 29% và 34% nên khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 1.164 tỷ đồng, thấp hơn mức 1.490 của cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Gelex đạt 1.100 tỷ đồng, giảm hơn 28%.
Năm 2019, Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn đặt kế hoạch doanh thu 16.700 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.380 tỷ đồng. Thực tế công ty chỉ hoàn thành 92% mục tiêu doanh thu và gần 80% mục tiêu lợi nhuận.
Tổng tài sản của doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch thời điểm cuối năm là 21.258 tỷ đồng, tăng 23,3% (tương đương tăng 4.012 tỷ đồng) so với ngày đầu năm 2019. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng 9% (717 tỷ đồng) còn nợ phải trả tăng 35,5% (3.295 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là gần 59,2%, tăng đáng kể so với con số 53,8% hồi đầu năm.
Nợ vay và thuê tài chính tăng tới 2.700 tỷ đồng so với đầu năm, khiến cho chi phí lãi vay của Gelex tăng 37,8%.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu GEX giảm 0,51% trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới Canh Tý 2020.