Dân Việt

Nhà di tích cổ mục nát, du lịch ế ẩm

06/03/2012 15:57 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 3 năm được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, TT - Huế) vẫn trong cảnh nhà cổ rệu rã, du lịch ế ẩm.

Công nhận rồi để đó

Dẫn chúng tôi ra ngôi nhà rường cổ 3 gian 2 chái đã bỏ hoang nhiều năm nay, anh Lương Thanh Phong - chủ nhà - thở dài:  “Nhiều năm rồi gia đình tui phải chuyển ra ngoài để ở vì sợ ngôi nhà này đổ sập bất cứ lúc nào”.

Ngôi nhà cổ của gia đình anh Phong đã trên 100 năm tuổi, đã xuống cấp trầm trọng. Mái ngói phía sau đã bị trụt, gia đình phải lợp tạm bằng tấm fibro xi măng. Bức tường gạch sau nhà cũng đã đổ nát hoàn toàn, phải xây lại bằng gạch bờ - lô.

img
Ngôi nhà cổ của gia đình anh Lương Thanh Phong đã xuống cấp thảm hại, có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Vì tất cả phần ngói còn lại của ngôi nhà đã mục nát, nên khi trời mưa nước chảy vào nhà như trút. Tình trạng này khiến hầu hết các hạng mục bằng gỗ của nhà oải mục, bong tróc loang lổ. “Thời gian tới gia đình tui sẽ dỡ bỏ ngôi nhà để bảo quản phần gỗ ít ỏi chưa bị hư hỏng, vì nếu để như thế này thì mùa mưa tới nhà sẽ sập”- anh Phong cho biết.

Cùng thảm cảnh như ngôi nhà anh Phong là hàng loạt nhà rường cổ khác ở Phước Tích. Trong đó, nhà cổ của bà Lê Thị Hén, Lê Thị Trảng, Lê Thị Hoa… hiện có hơn 80% hạng mục rệu rã và đang chờ ngày đổ sập.

“Khi nhà trở thành di tích, chúng tôi mừng lắm, nhưng công nhận rồi bỏ rơi như thế này khiến chúng tôi khốn khổ trăm bề”- bà Lê Thị Hén bức xúc.

img
Một nhà cổ còn giữ được nhiều kiến trúc đẹp.

Theo ông Hoàng Tấn Minh - thành viên Ban quản lý làng cổ Phước Tích, hiện làng còn lại 37 ngôi nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi, trong đó 24 nhà có dân ở, còn lại là nhà thờ các họ tộc. Đến nay, 100% số nhà này đều bị xuống cấp, trong đó nhiều nhà bị hư hại từ 70 - 80%.

Ông Minh cho biết, từ khi làng được công nhận di tích quốc gia đến nay, mới chỉ có nhà cổ của gia đình ông Trương Duy Thanh được trùng tu bằng dự án của Bỉ, còn lại đều trong cảnh… dài cổ chờ đợi.

Du lịch di sản “chết yểu”

Theo chính quyền xã Phong Hòa, cùng với tình trạng xuống cấp, rệu rã hàng loạt, hiện nhà cổ ở Phước Tích đang đối mặt với tình trạng người dân tự tiện cơi nới, sửa chữa, xây mới các hạng mục… khiến nhà cổ dần biến dạng. Nhiều năm qua, địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ sửa chữa, trùng tu.

Hiện cơ sở hạ tầng du lịch ở Phước Tích chưa có gì ngoài những ngôi nhà cổ xuống cấp, còn các dịch vụ du lịch vẫn chỉ là con số 0.

Ông Trần Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, kiêm Phó Ban quản lý làng cổ Phước Tích - cho biết, để cứu di tích quốc gia này, song song với công tác trùng tu nhà cổ, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch để người dân sống được bằng du lịch di sản.

Bởi lẽ, hiện cơ sở hạ tầng du lịch ở Phước Tích chưa có gì ngoài những ngôi nhà cổ xuống cấp, còn các dịch vụ du lịch vẫn chỉ là con số 0, khiến việc phát triển du lịch di sản ở đây “chết yểu”.

Theo ông Nguyên, làng cổ Phước Tích được cả nước biết đến nhưng lượng du khách đến đây hàng năm mới chỉ ở con số vài trăm người. Mặt khác, hầu hết du khách sau khi ghé làng đều “một đi không trở lại” vì cơ sở hạ tầng, dịch vụ quá yếu kém. Hiện làng chưa có bãi đỗ xe, đường sá và vườn tược lầy lội, nhếch nhác. Hàng hóa phục vụ du khách hầu như không có gì, ngoài sản phẩm đồ gốm. Khách qua đêm ở nhà cổ thì không có gì ăn uống, chỗ ngủ, do các gia đình không có người phục vụ hoặc không mặn mà vì chưa được hưởng lợi.

“Giúp người dân sống được bằng du lịch di sản là cách để bảo vệ di sản hiệu quả. Nhưng việc này nằm ngoài khả năng của địa phương, trong khi sự đầu tư từ cấp trên thì vẫn phải chờ đợi”- ông Nguyên nói.