Dân Việt

Cưỡng chế sai: Chính phủ đã lên tiếng, địa phương vẫn xử ép

06/03/2012 08:38 GMT+7
(Dân Việt) - Chính quyền cưỡng chế sai, ban hành quyết định trái luật khiến một gia đình ở Sóc Trăng vướng vào lao lý. Dù Chính phủ đã chỉ rõ sai trái của chính quyền địa phương nhưng vụ việc vẫn không được giải quyết.

Chính quyền làm sai

Theo báo cáo của Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng gửi Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, gia đình bà Khương Thị Xém có 3.865m2 đất thổ cư, rẫy và ruộng nằm cạnh sông Msapréro, phía trên tiếp giáp đường Cao Thắng, phường 8, TP.Sóc Trăng. Nguồn gốc đất là mướn của địa chủ Lý Ny (cha chồng bà Trần Kim Tỵ) từ năm 1954. Trong quá trình sử dụng đất, gia đình bà Xém có trả lúa cho ông Lý Ny đến năm 1975. Sau giải phóng, gia đình bà Xém trực tiếp làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, sử dụng đất ổn định.

img
Đất của bà Xém sau khi thuộc về bà Tỵ đã bị sang bán trái luật.

Năm 1993, bà Tỵ khiếu nại đòi đất mà bà Xém đang sử dụng hợp pháp theo Luật Đất đai. Tháng 8.1995, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Hân (nay là Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng) đã ký quyết định cưỡng chế dỡ nhà bà Xém để giao đất cho bà Tỵ. Thấy việc làm này trái khoáy, sai Luật Đất đai nên gia đình bà Xém quay lại nền đất cũ cất nhà ở rồi làm đơn khiếu nại.

Đến giữa tháng 12.1996, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng Nguyễn Minh Thống ký Quyết định số 320 bác đơn của bà Xém. Sau đó 1 tháng, bà Xém bị phạt 500.000 đồng vì không chấp hành quyết định của UBND thị xã Sóc Trăng. Hơn 1 năm sau, UBND thị xã Sóc Trăng lập đoàn cưỡng chế lần 3, tháo dỡ, lấy hết tài sản trong nhà bà Xém và buộc gia đình phải bốc mộ của ông Huỳnh Bỉnh Hoạch - chồng bà Xém (chôn vào năm 1991).

Con dâu của bà Xém là Huỳnh Thị Huỳnh ngăn cản đoàn cưỡng chế nên bị bắt về hành vi chống người thi hành công vụ. 4 tháng sau, TAND thị xã Sóc Trăng tuyên phạt bà Huỳnh 4 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.

img
Biên lai mà ông Hoạch (chồng bà Xém) đóng thuế vào năm 1979.

Quá uất ức nên sau khi bà Xém mất (1998), con trai bà là Huỳnh Hữu Đức khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Chính phủ có văn bản số 1061/TTg nêu: “Căn cứ vào khoản 1, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 thì quyết định 320/QĐ.HC, ngày 16.12.1996 của Chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng không phù hợp với quy định của pháp luật” và đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét giải quyết lại theo đúng pháp luật. Nhưng sau đó, ngày 29.6.2004, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng lại ban hành Quyết định số 62 bác đơn khiếu nại của ông Đức (!?).

Bảo vệ quyết định sai?

“Đất đang tranh chấp, khi chưa có quyết định giải quyết cuối cùng của cấp có thẩm quyền nhưng Chi cục Quản lý đất đai (Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng) lại cấp giấy xác nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Tỵ sử dụng, tạo điều kiện cho bà Tỵ chuyển nhượng đất tranh chấp cho người khác là trái pháp luật” - ông Huỳnh Văn Sum – Chánh Thanh tra tỉnh Sóc Trăng nhận xét về vụ việc này. Cũng theo ông Sum, việc ông Đức khiếu nại Quyết định số 62 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng là có cơ sở.

Từ những cơ sở trên, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị “Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giao Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng khắc phục hậu quả do giải quyết tranh chấp đất không đúng pháp luật dẫn đến cưỡng chế sai pháp luật”. Tuy nhiên, sau khi Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Tư pháp và Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng họp để giải quyết, kết luận lại… tiếp tục đứng về phía cái sai. Theo đó, kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành văn bản giữ nguyên Quyết định 62 năm 2004, dù quyết định này bảo vệ cái sai và trái luật.

Ông Huỳnh Hữu Đức bức xúc: “Chính phủ và Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã vạch rõ cái sai ấy, tại sao thành phố vẫn giữ lại quyết định sai, xử ép gia đình tôi. Có phải chăng do nể nang hay ngại đụng chạm đến các cán bộ làm sai mà thành phố không đứng về phía lẽ phải?”.