Rất bất ngờ, thú vị
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nếm thử trái chôm chôm chín đỏ rực được trồng trên đất xã Gio Bình, huyện Gio Linh, khi thăm vườn cây mà không khỏi bất ngờ và vui mừng trước thành quả ngọt ngào đầu năm mới.
Vườn chôm chôm miền tây huyện Gio Linh chín đỏ dịp Tết.
Ông Lê Đăng Huệ ở làng Bình Hải, xã Gio Bình có vườn chôm chôm đang thu hoạch cho biết, mười năm trước, nhiều nông dân của xã Gio Bình đã tìm tòi một loại cây trồng mới để tận dụng những ô đất trống trong vườn nhà hoặc ngoài nương rẫy cao-su.
Thế là cây chôm chôm được chọn trồng. Thông thường, chôm chôm sớm được thu hoạch vào tháng 5, chôm chôm chính vụ sẽ được thu hoạch vào tháng 7. Còn chôm chôm của gia đình ông Huệ và các xã miền tây huyện Gio Linh năm nay bất ngờ cho thu hoạch vào dịp Tết.
Trước Tết đến nay, ông Huệ thu hoạch chôm chôm bán với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, vườn của gia đình ông có nhiều cây cho năng suất hơn 100kg. Vườn chôm chôm được trồng vùng này cho quả rất tốt với hai loại giống là chôm chôm Thái Lan và chôm chôm nhãn, đều có vị ngọt, giòn và thơm.
Sáng này vợ chồng ông Mai Văn Lập và bà Bùi Thị Huệ ở làng Gia Bình, xã Gio An thu hoạch vườn chôm chôm, phần thì bán vì nhu cầu mua rất lớn, phần còn lại tặng cho con cháu mỗi người vài ký làm quà. Chôm chôm của ông Lập, bà Huệ ngon nổi tiếng nhất vùng nên thu hoạch trong buổi sáng là bán hết ngay.
Nông dân Mai Văn Lập ở xã Gio An vui mừng khi chôm chôm bán được giá.
Ông Lập cho biết, ba năm đầu khi cây chôm chôm mới trồng ở vùng đất mới, khí hậu nắng gió Lào khắc nghiệt nên phát triển chậm. Sang năm thứ tư về sau, vượt qua được thử thách thăm dò thời tiết, chuyển qua giai đoạn thích nghi nên cây chôm chôm nhanh chóng phát triển tốt ở vùng đất đỏ bazan ở các xã miền tây huyện Gio Linh.
Nhiều người bất ngờ và thú vị vì chưa từng nghe vùng đất đỏ miền tây huyện Gio Linh và cả tỉnh Quảng Trị trồng được cây chôm chôm. Càng bất ngờ hơn bán chôm chôm lại được giá cao không thua trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích đất.
Được trồng theo phương pháp hữu cơ, người mua lại tận mắt chứng kiến nhà vườn thu hoạch nên khi chôm chôm vừa hái khỏi cây liền được người tiêu dùng mua hết vì ngon và sạch.
Nhiều thương lái đến mua tại vườn với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, bán lẻ tại chỗ giá 35 ngàn đồng/kg, đưa vào đến thành phố Đông Hà bán giá lên gấp đôi. Thương lái muốn mua nhiều nhưng nguồn cung chôm chôm nay không còn nữa.
Ông Trần Giải, chủ tịch UBND xã Linh Hải cho biết, người dân làng Sơn Tây của xã này trồng rất nhiều chôm chôm. Năm nay, chôm chôm được mùa, chín sớm, bán giá cao vẫn không đủ phục vụ nhu cầu Tết. Mô hình trồng chôm chôm phát triển kinh tế gia đình rất phù hợp vùng đất này.
Vẽ lại bản đồ chôm chôm
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, mô hình trồng chôm chôm có nhiều ở các xã Gio Bình, Gio An, Gio Hòa, Gio Sơn, Linh Hải…Là giống nhập từ Thái Lan và miền Nam nhưng chôm chôm rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của các xã miền tây huyện Gio Linh.
Trải nghiệm giữa vườn chôm chôm ngày Tết rất thú vị.
Điểm nổi bật nhất của huyện Gio Linh là phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị từng bước nâng cao thu nhập của nông dân. Lãnh đạo huyện luôn trăn trở câu hỏi bằng cách nào để giúp nông dân làm giàu và luôn mong muốn nông dân mạnh dạn đề xuất cùng Nhà nước làm gì để nông dân mạnh, thực hiện được câu nói của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Huyện Gio Linh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nên huyện chú trọng cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, ngư trên cả ba vùng đồng bằng, gò đồi và vùng cát. Với vùng miền tây Gio Linh đất đỏ, ngoài cây truyền thống nổi tiếng như hồ tiêu, cây bơ, cây cao-su, bây giờ có thêm mô hình cây trồng chôm chôm.
Nhờ nông dân sáng tạo nên mô hình trồng chôm chôm ở miền tây huyện Gio Linh được ghi tên vào bản đồ phát triển cây chôm chôm Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua sự chuyển dịch trong ý thức của nông dân huyện Gio Linh rất đáng tự hào. Nông dân luôn mạnh dạn đổi mới tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường.
Một loạt điển hình nông dân, nhóm hộ nông dân các xã trên với các mô hình trồng chôm chôm, cam xã đoài…cho thu nhập cao, đó là những loại cây trước đây ông cha chưa hề trồng, đã nói lên tầm nhìn mở rộng của nông dân. Họ là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám làm những việc khác hơn truyền thống, trồng những cây khác hơn cây lúa, dám nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn trên diện tích lớn.
Tuy nhiên, những nông dân như thế này vẫn chưa nhiều. Làm sao để có nhiều hơn những người nông dân thấy xa hiểu rộng để họ tự làm giàu được, là thách thức lớn nhất đối với người đứng đầu của ngành và địa phương.
Theo ông Trần Văn Quảng, để không ngừng phát triển, huyện Gio Linh cần người nông dân mạnh dạn đổi mới hơn nữa. Từ những diện tích đất manh mún họ tự giác thỏa thuận, chung nhau trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư hiệu quả xây dựng vùng công nghiệp sản xuất, chế biến rau quả hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Với sự tổ chức hợp lý những người nông dân đổi mới sẽ không bị mất đất, đất của nông dân trong HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới xây dựng thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển sản phẩm cây trồng của nông dân đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, thu nhập ổn định cao hơn. Huyện Gio Linh sẽ tạo điều kiện tối đa, mở rộng thêm mô hình trồng chôm chôm. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào mô hình cùng nông dân có thu nhập ổn định hơn nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đất nước ngày càng tốt hơn. |