Chuyện về rừng quế “nguyên sinh”
Chúng tôi đến Nậm Đét khi cái rét bủa vây khắp nơi, vậy mà những người đàn ông dân tộc Dao ở đây vẫn mướt mồ hôi vác từng bó vỏ quế xuống núi. Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng nét mặt ai cũng tươi vui, bởi năm nay quế được giá. Những cây quế cao hàng chục mét được người dân xã Nậm Đét chặt hạ để bán gỗ, vỏ và lá.
Một khu rừng quế cổ thụ ở Nậm Đét.
Thấy tôi tròn mắt, xuýt xoa vì lần đầu tiên được thấy những cây quế to như thế, anh Lý A Siếu ở thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét vỗ vai bảo: “Đây là những cây quế mới chỉ trồng được 10 - 15 năm, đường kính gốc khoảng 50 cm, độ cao hơn chục mét thôi. Nếu đem so với những cây quế cổ thụ ở vùng đất này thì chỉ là dạng… con cháu”.
Nói chưa đủ thuyết phục, anh Siếu dẫn tôi đi “mục sở thị” rừng quế cổ thụ được trồng trên đất Nậm Đét.
Ông Triệu Sèo Tòng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Đét năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và nhanh nhẹn. Khi được hỏi về nguồn gốc những cây quế cổ thụ của gia đình, ông Tòng kể: Trước đây, bà con trong xã chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là đốt rừng để làm nương trồng ngô và lúa nương, năng suất rất thấp nên đói ăn triền miên. Những năm 60 của thế kỷ trước, nghe tin bà con người Dao ở Văn Yên (Yên Bái) nhờ trồng quế mà no cái bụng, cụ Triệu Mùi Pham lặn lội đường rừng, tìm đến tận nơi tìm hiểu. Sau khi thấy cụ Pham mang quế về trồng, thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, tôi cùng một số người dân trong xã đã mất gần một tuần vượt núi, băng rừng đến Văn Yên để mua giống về trồng.
Lần đầu tiên tôi mua được gần 100 cây quế giống về trồng, đến nay, số quế này vẫn còn gần một nửa. Tính ra, những cây quế cổ thụ trong vườn nhà tôi đã trồng được hơn nửa thế kỷ, cây vẫn sinh trưởng và phát triển rất tốt...
Tận mắt thưởng ngoạn những cây quế cổ thụ, gốc to vài người ôm, thân cao tới ba - bốn chục mét, tán rộng phủ kín mái nhà, tôi không khỏi trầm trồ. Nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi nghĩ đó là những cây gỗ nghiến, gỗ trai cổ thụ mọc tự nhiên trong rừng già.
Được biết, khi mua giống quế về, ông Tòng trồng ở góc vườn, ven đồi, chẳng cần bón phân chăm sóc. Thế nhưng, cây quế phù hợp với đồng đất nên phát triển rất nhanh, không bị sâu bệnh phá hoại.
Không trực tiếp trồng quế nhưng anh Triệu A Lù ở thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét lại may mắn được thừa kế vườn quế rộng gần 2 ha của ông nội để lại. Theo anh Lù, từ khi trồng đến nay, vườn quế của gia đình đã được hơn 50 năm tuổi, đã đủ thời gian để khai thác.
Anh Lù tâm sự: “Nghe bố tôi kể, đây là những cây quế ông nội tôi trồng đầu tiên, mặc dù chẳng chăm sóc nhiều nhưng cây cứ lớn và bây giờ trở thành tài sản lớn của gia đình”.
Rung cây là có… Tết
Thường thì khi cây quế có độ tuổi từ 7 đến 15 năm là người dân có thể thu hoạch để bán gỗ, vỏ và lá. Hiện tại, những cây quế có đường kính 30 - 40 cm sẽ được thương lái mua với giá 5 - 6 triệu đồng, tuy nhiên, so với giá trị kinh tế của những cây quế cổ thụ, con số này… quá nhỏ bé.
Ở Nậm Đét có những cây quế có những cây quế cổ thụ đường kính gốc lên tới hàng mét.
“Quế cổ thụ của gia đình tôi có người trả tới 30 triệu đồng/cây nhưng tôi vẫn không bán. Mặc dù đã trồng được hơn 50 năm nhưng những cây quế này vẫn đang sinh trưởng và phát triển tốt, càng để lâu, cây càng có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, những cây quế cổ thụ thường ra quả rất nhiều, mỗi năm gia đình tôi thu hàng chục triệu đồng từ bán hạt quế” - ông Tòng nói.
Cũng giống ông Tòng, gia đình anh Lù mỗi năm thu 50 - 60 triệu đồng tiền từ bán hạt quế, vì thế, những cây quế cổ thụ được người dân coi như báu vật.
“Trên vườn nhà tôi có gần chục cây quế, đường kính gốc rộng khoảng 1 m, còn những loại nhỏ hơn, đường kính gốc từ 50 - 60 cm thì có hàng trăm cây. Nếu chặt cả vườn quế để bán, gia đình tôi sẽ thu được khoảng hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm vừa rồi, tôi chỉ tỉa cành và chặt những cây còi cọc để bán, còn cây quế cổ thụ phải giữ lại để lấy hạt. Trước khi mất, ông nội tôi đã dặn dò con cháu rằng lúc nào làm nhà to hay cần tiền để làm việc lớn mới được chặt cả đồi quế, còn không chỉ cần tỉa cành, lấy hạt cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Tôi chỉ cần rung vài gốc quế lấy hạt bán là có tiền sắm một cái tết tươm tất” - anh Lù phấn khởi khoe.
Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét chia sẻ với chúng tôi: Xã Nậm Đét hiện có khoảng 1.870 ha quế, trong đó gần 1.200 ha đã đến thời kỳ cho thu hoạch, 20 ha quế cổ thụ có tuổi đời trên 50 năm tuổi. Ước tính trong năm 2019, thu nhập từ cây quế của người dân xã Nậm Đét đạt khoảng 67 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Bắc Hà cũng đã quy hoạch vườn quế cổ thụ của xã để lấy nguồn giống. Tại thời điểm này, giá hạt quế giống dao động từ 200 - 250 nghìn đồng/kg, vì thế có những cây quế cổ thụ mỗi năm mang lại thu nhập cho người dân từ 3 - 5 triệu đồng.
Xuân này đến Nậm Đét, đâu đâu cũng thấy phủ một màu xanh bạt ngàn của quế. Những cây quế đầu tiên “bén” vùng đất này đã trở thành “rừng quế cổ thụ”, là báu vật mang lại no ấm, hạnh phúc bền vững cho người dân nơi đây, đúng như lời người trồng quế nói : “Rung cây là có… Tết”. |