Cái tên Công ty cổ phần SAHABAK nghe có vẻ “Tây”, song thực ra là cái tên được ghép từ 3 địa danh: SA (Sài Gòn) - HA (Hà Nội)- BAK (Bắc Kạn). Công ty cổ phần SAHABAK được sáng lập bởi 4 cổ đông là: Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn – Đông Dương.
Sahabak đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 370 lao động. |
Điểm sáng của công nghiệp Bắc Kạn
Trụ sở và cũng là nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần SAHABAK hiện đóng tại Khu công nghiệp Thanh Bình, thuộc xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn). Trong sân nhà máy là hàng nghìn mét khối gỗ được thu mua đang đợi đưa vào dây chuyền sản xuất, chế biến. Phía trong khu nhà xưởng, hàng trăm công nhân luôn tay cưa gỗ thành từng khúc, xẻ thành thanh, rồi ghép, dán, ép thành tấm lớn (gọi là ván thanh).
Ông Lê Viết Thắng- Tổng Giám đốc SAHABAK cho biết: “Nhà máy sản xuất ván thanh khánh thành từ cuối năm 2010 với tổng mức đầu tư 34,5 tỷ đồng, công suất mỗi năm đạt 3.000m3 sản phẩm chính. Đến nay, nhà máy đã sử dụng hơn 10.000m3 gỗ nguyên liệu, trong đó số gỗ mua của người dân địa phương chiếm 55-60%, còn lại là gỗ trồng từ 14.000ha của Công ty Lâm nghiệp Bắc Kạn.
Ông Thắng cho biết: “Do sản xuất trên dây chuyền châu Âu, đạt tiêu chuẩn quốc tế IWAY, nên sản phẩm ván thanh của SAHABAK được tiêu thụ rất mạnh. Hiện ván thanh của công ty được bán cho các đơn vị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đơn đặt hàng của SAHABAK đã có đến năm 2013”.
Tuy nhiên, ông Thắng vẫn còn băn khoăn vì nhược điểm của dây chuyền sản xuất ván thanh là chưa tận dụng hết những phần gỗ thừa. Vì thế, công ty đã quyết định đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất ván MDF với tổng kinh phí 1.142 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Thanh Bình.
Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ sử dụng 200.000m3 gỗ nguyên liệu. MDF là công nghệ hiện đại nhất hiện nay với nhiều ưu điểm vượt trội, có thể tận dụng được nhiều loại nguyên liệu thừa từ thân cây đến cành, rễ cây… Khi nhà máy này đi vào hoạt động, tất cả gỗ thừa trong dây chuyền ván thanh của công ty sẽ được sử dụng trong dây chuyền này. Ngoài ra, SAHABAK cũng đang lên kế hoạch thu mua cả cành cây cho nông dân để chế biến.
Chung tay cùng nông dân trồng rừng
Nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ mà SAHABAK sử dụng hoàn toàn là các loại gỗ được quy hoạch rừng trồng, trong đó chủ đạo là cây keo với độ tuổi khai thác từ 7-8 năm. Do nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu lớn với hơn 200.000m3/năm, hàng năm SAHABAK cần khai thác khoảng 3.000ha rừng trồng. Do đó, tổng diện tích đất rừng mà SAHABAK cần quy hoạch là 24.000ha.
Để có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định và lâu dài, SAHABAK đã triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu tại 5 huyện, thị trên địa bàn Bắc Kạn là: Thị xã Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, với quy mô khoảng 10.000ha, tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng. Hình thức đầu tư của công ty là liên kết với nông dân trồng rừng, cho nông dân vay không lãi vào năm thứ nhất với mức 3 triệu đồng/ha. Mặt khác, công ty cũng cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng cho người dân trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm khai thác, số tiền cho dân vay được khấu trừ vào sản phẩm.
Không chỉ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân, SAHABAK còn đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 370 lao động tại nhà máy, trong đó hơn 90% là người dân địa phương. Lao động được trả với mức lương bình quân 2,9 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí bảo hộ lao động, tiền ăn ca. Ông Thắng mong muốn, SAHABAK không chỉ góp phần đưa lâm nghiệp gắn với chế biến trở thành mũi nhọn kinh tế của Bắc Kạn mà còn hỗ trợ nông dân trồng rừng Bắc Kạn có thể làm giàu.
Sỹ Lực